Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịch bản tăng độ sâu ở cụm mỏ đá lớn nhất Đồng Nai

Hoàng Lộc
07:02, 23/12/2024

Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa) là cụm mỏ khai thác đá lớn nhất Đồng Nai hiện nay, có độ sâu khai thác tối đa là -80m. Mới đây, đơn vị thực hiện Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông (gọi tắt dự án) đưa ra 3 kịch bản tăng độ sâu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi thực tế tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân năm 2023.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi thực tế tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân năm 2023. Ảnh:H.Lộc

Đề xuất này dựa trên Luật Khoáng sản hiện hành và kết quả nghiên cứu địa chất, thủy văn, trữ lượng khoáng sản.

Tăng độ sâu -100m, -120m và -150m

Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân là nguồn cung cấp đá xây dựng cho nhiều công trình lớn, nhỏ trên địa bàn Đồng Nai và khu vực miền Nam. Do có 10 mỏ đá cùng khai thác, chế biến, vận chuyển nên hoạt động đã ít nhiều ảnh hưởng môi trường không khí và sông Buông chảy qua cụm mỏ.

Trước thực tế trên, năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt Dự án về đánh giá mức độ ảnh hưởng của cụm mỏ đến môi trường và sông Buông, đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường, đánh giá khả năng tăng độ sâu, phương án sử dụng quỹ đất sau khai thác… Sau hơn 3 năm, mới đây, đơn vị thực hiện dự án là Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đã có báo cáo kết quả.

Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân có 10 mỏ đá, diện tích quy hoạch 407 hécta, đã cấp phép khai thác gần 400 hécta. Giữa cụm mỏ có sông Buông chảy qua với chiều dài hơn 7km, chiều rộng từ 5-20m.

Tại phương án khả năng tăng độ sâu, đơn vị thực hiện dự án đưa ra 3 kịch bản là: - 100m, - 120m, - 150m. Kỹ sư Nguyễn Đăng Sơn, chủ nhiệm dự án cho biết, 3 kịch bản tăng độ sâu được đưa ra dựa trên nhiều căn cứ. Đó là quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thành phố Biên Hòa; Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cả 3 quy hoạch này đều thể hiện khu vực dành cho khai thác khoáng sản. Cùng với đó là dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ chất lượng, tiềm năng khoáng sản tại cụm mỏ; mức độ an toàn khi tăng độ sâu, khả năng phục hồi môi trường…

Theo các kịch bản đưa ra, ở độ sâu - 100m, trữ lượng khoáng sản khai thác được là hơn 49 triệu m3. Khi xuống -120m, trữ lượng khoáng sản tăng lên hơn 95 triệu m3. Khi khai thác ở độ sâu -150m, trữ lượng khoảng 158 triệu m3. Về ảnh hưởng đến sông Buông khi kết thúc khai thác, ở 3 kịch bản tăng độ sâu, báo cáo đã chỉ ra mức độ an toàn đối với bờ mỏ và bờ sông; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, bồi lắng và sạt lở.

Chế biến đá tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân.
Chế biến đá tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân.

“Tăng độ sâu phải đi kèm với phương án khai thác an toàn, áp dụng công nghệ mới vào khai thác, tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã phân tích kỹ ở từng chuyên đề và báo cáo tổng thể” - ông Sơn chia sẻ.

Tăng độ sâu khai thác khoáng sản tại các mỏ lộ thiên là quy định được pháp luật cho phép. Việc này nhằm có thêm trữ lượng tài nguyên mà không phải mở thêm mỏ mới, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Song việc tăng độ sâu cũng đồng nghĩa rủi ro nhiều hơn, do đó phải có giải pháp công nghệ và phương án bảo vệ môi trường phù hợp.

Ưu tiên phương án độ sâu -120m

Hiện nay, tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân, một số mỏ đã được cấp phép khai thác độ sâu -80m, một số mỏ được cấp phép độ sâu -60, -70m và đang làm thủ tục xin tăng độ sâu.

Sông Buông đoạn chảy qua cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân.
Sông Buông đoạn chảy qua cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân. Ảnh:H.Lộc

Trong 3 kịch bản tăng độ sâu đưa ra, đơn vị thực hiện dự án cho rằng, kịch bản tăng độ sâu -120m là phương án ưu tiên. Khi áp dụng kịch bản này, hiệu quả kinh tế - trữ lượng đá thu được sẽ tăng lên, đảm bảo được nguồn vật liệu cho các công trình trọng điểm; giảm chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí vận chuyển trong trường hợp phải mở mỏ mới ở các huyện vùng xa; tăng độ sâu kết hợp với đưa hoạt động chế biến xuống đáy mỏ sẽ giảm được diện tích đất làm công trình phụ trợ, chế biến.

Và đi kèm với phương án tăng độ sâu -120m là các chủ mỏ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn khai thác, an toàn lao động; đổi mới công nghệ khai thác và chế biến. Sau khi hoàn thành khai thác phải có giải pháp ổn định bờ mỏ và bờ sông Buông, cải tạo và phục hồi môi trường, bố trí trạm bơm để duy trì mực nước ở các hồ nước khoảng -22m nhằm hạn chế sạt lở đất. 

Trong chuyến đi thực tế tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trong trường hợp pháp luật cho phép, trữ lượng khoáng sản còn mà cho phép khai thác ở độ sâu -60m là lãng phí nguồn tài nguyên. Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nghiên cứu phương án tăng độ sâu, tăng công suất, tăng thời gian khai thác ở các mỏ; việc tăng độ sâu phải gắn với phương án bảo vệ môi trường và bảo vệ dòng sông Buông. Nghiên cứu đề xuất phương án cải tạo, phục hồi môi trường và sử dụng quỹ đất hậu khai thác.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, đây là cụm mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất tỉnh. Quá trình khai thác, chế biến không tránh khỏi ô nhiễm nguồn nước, không khí. Dự án này với mục tiêu chủ yếu là đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường và sông Buông làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiệm vụ khai thác, sử dụng khoáng sản hiệu quả, bền vững.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, các kịch bản tăng độ sâu sẽ được xem xét sau khi có đánh giá chi tiết, cụ thể mức độ ảnh hưởng; thực hiện giải pháp bảo vệ sông Buông, bảo vệ môi trường. Và việc xem xét tăng độ sâu tùy thuộc vào trữ lượng, thời gian kết thúc của từng mỏ, các quy định khai thác khoáng sản hiện hành.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều