Báo Đồng Nai điện tử
En

Để kinh tế tư nhân tăng tốc phát triển

Vương Thế
08:24, 08/04/2025

Để tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong thời gian dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình thì đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có vai trò của DN tư nhân, là rất quan trọng. Chính phủ cũng đang nghiên cứu xây dựng nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) nhằm phục vụ mục tiêu nói trên.

ADVERTISEMENT

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.Thế
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.Thế

Tháo gỡ các rào cản về thể chế, khơi thông nguồn lực, xây dựng những DN đầu đàn, tạo chuỗi liên kết sản xuất, định hướng chiến lược và tự chủ trong sản xuất… là những vấn đề cần phải giải quyết để KTTN Việt Nam tăng tốc phát triển.

Đòn bẩy cho sự thịnh vượng

ADVERTISEMENT

Hiện nay, KTTN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách để khẳng định vai trò của KTTN và định hướng phát triển. Đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, khu vực KTTN có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 940 ngàn DN đang hoạt động và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Nhiều DN tư nhân đã phát triển vững mạnh trở thành những tập đoàn lớn của cả nước và vươn lên xây dựng thương hiệu tầm quốc tế như: VinGroup, Sun Group, Thaco, FPT, Vietjet... Bên cạnh đó, sự vươn lên và bứt phá của nhiều tập đoàn tư nhân mới cũng đang mở ra những kỳ vọng về một khu vực KTTN phát triển thịnh vượng với đầu kéo là các tập đoàn, cùng các vệ tinh là các DN tư nhân nhỏ và vừa.

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của mình, DN tư nhân mong muốn được cùng tham gia với Nhà nước trong các chiến lược, dự án kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao; tham gia đầu tư hạ tầng trọng điểm của địa phương cũng như cả nước.

ADVERTISEMENT

Trong bài viết Phát triển KTTN - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 17-3, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, KTTN là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng. KTTN hiện đóng góp 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Tại Đồng Nai, quy mô KTTN cũng đang gia tăng và đóng vai trò quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương. Hiện Đồng Nai có gần 60 ngàn DN đăng ký thành lập với số vốn gần 550 ngàn tỷ đồng. Riêng quý I-2025, KTTN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư gần 11 ngàn tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư tư nhân là nguồn lực quan trọng cho phát triển, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm nâng cao đời sống cho nhiều người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân phát triển

Hiện DN tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Phần lớn DN thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với chuỗi sản xuất nên khó nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh, nhất là khi bán hàng ra thị trường nước ngoài.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn chung DN Việt Nam giỏi chống chịu trước các cú sốc, nhưng chậm lớn bởi nhiều lý do. Các nguồn lực tăng trưởng cần được tháo gỡ để KTTN tiếp cận được, từ đó giúp các DN có thêm động lực, sức mạnh để phát triển, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính...

Với Đồng Nai, quan điểm của tỉnh là coi trọng phát triển KTTN và xem những thành công của cộng đồng DN là thành công của địa phương. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lãnh đạo tỉnh mong trong quá trình hoạt động, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các DN cũng cần thẳng thắn trao đổi để địa phương nắm bắt, cùng phối hợp tìm các giải pháp tháo gỡ.

Về phía cộng đồng DN, theo Chủ tịch Liên đoàn DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm, các yếu tố về mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, chính sách thuế, phát triển xanh đang là khó khăn các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp phải. Hiện nay, các DN mong muốn được tiếp tục miễn, giảm thuế từ 3-5 năm nữa; tiếp cận được vốn vay ưu đãi trong sản xuất, xuất khẩu; tiếp cận tín dụng xanh; hỗ trợ kết nối vào chuỗi cung ứng sản xuất. Hiệp hội cũng sẽ tăng cường liên kết giữa các DN hội viên, giữa các hội, ngành nghề để cùng hợp tác, phát triển. Liên đoàn cũng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ DN.

Vương Thế

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT