Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng mới, chiều 7-4, Bộ Nông nghiệp và môi trường đã tổ chức họp trực tuyến với các doanh nghiệp (DN), các hiệp hội ngành hàng lớn xuất khẩu vào Mỹ như: gỗ, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, điều, rau quả... bàn giải pháp ứng phó.
ADVERTISEMENT
![]() |
Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm chế biến từ gỗ.Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Kim Vĩnh Phú, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Mức thuế đối ứng mới Mỹ đưa ra với Việt Nam là 46%, cao nhất so với những nước đang xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này như: Ấn Độ là 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%...
Bị ảnh hưởng lớn
ADVERTISEMENT
Theo Bộ Nông nghiệp và môi trường, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu NLTS sang Mỹ đạt hơn 14,3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Trong quý I-2025, xuất khẩu NLTS sang thị trường này đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.
Tại Đồng Nai, năm 2024, xuất khẩu NLTS có nhiều khởi sắc với kim ngạch đạt 3,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, gỗ và sản phẩm đồ gỗ chiếm tỷ trọng lớn, đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, các nông sản chủ lực xuất khẩu khác của tỉnh gồm cà phê; hạt điều; cao su; tiêu, thủy sản; rau củ quả… đều là những mặt hàng Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn.
Bộ Nông nghiệp và môi trường chỉ đạo các địa phương, DN và bà con nông dân duy trì kế hoạch sản xuất, không thay đổi trong thời gian này. Việc đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng ngành hàng và quốc gia sẽ là yếu tố quyết định trong giai đoạn này.
ADVERTISEMENT
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho hay, Mỹ không chỉ là thị trường có giá trị xuất khẩu số 1 mà còn có tính định hướng thị trường thủy sản. Hiện có khoảng 400 DN đang xuất khẩu sang thị trường này nên nếu thuế đối ứng 46% thì ngành thủy sản sẽ rất khó khăn.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VPSA) Phùng Văn Sâm nhận xét, khoảng 30% thị phần hồ tiêu và gia vị của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Do đó, khi Mỹ thông báo sẽ áp thuế cao với Việt Nam, tất cả các DN xuất khẩu và cả nhà mua hàng đều rất bất ngờ và lo lắng nên đa số các hợp đồng đã ký xuất khẩu sang thị trường này đều phải hoãn, thậm chí là hủy. Không chỉ DN mà nhiều nông dân ở vùng nguyên liệu cũng lo lắng không biết có nên tiếp tục đầu tư, mở rộng canh tác cây hồ tiêu?
Chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng các DN, hiệp hội cần chủ động trao đổi với khách hàng, đối tác nhập khẩu để có phương án xử lý các hợp đồng đã ký kết, cùng chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế bổ sung. Tiếp tục xem xét phương án xử lý đối với các nội dung mà phía Mỹ quan ngại. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh việc Mỹ cho là gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc và xem xét quyết định cuối cùng về phương án đề xuất áp thuế về 0%.
![]() |
ản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Kim Vĩnh Phú, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Ảnh:B.Nguyên |
Trong dài hạn, cần chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang một số nước có FTA với Việt Nam. Về thứ tự ưu tiên chuyển hướng với từng sản phẩm là: gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu; thủy sản hướng đến Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc; hạt điều hướng đến châu Âu, Trung Quốc, Anh; hạt tiêu hướng đến châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả hướng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, ASEAN; cà phê hướng đến Đức, Italia và Nhật Bản.
Nhiều hiệp hội ngành hàng và DN đề xuất giải pháp tăng nhập khẩu hàng nông nghiệp từ Mỹ, góp phần gỡ khó thuế đối ứng từ Mỹ. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng), so sánh trong cơ cấu giá thành tôm có đến gần 45% là chi phí thức ăn. Việt Nam hiện nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn từ các nước thì nay nên tăng mua nguyên phụ liệu từ Mỹ. Cần tạo điều kiện cho DN đầu tư tại Mỹ và đưa hàng về Việt Nam phục vụ sản xuất.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng vừa gửi văn bản lên Chính phủ đề xuất giải pháp tăng nhập khẩu đậu nành, khô đậu nành, bắp... từ Mỹ. Đây đều là những mặt hàng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu với giá trị hàng tỷ USD/năm. Ngoài ra, Mỹ còn là nơi cung cấp con giống heo chất lượng cao. Tính bình quân, 1 trại nuôi heo giống của Việt Nam nhập khẩu 250 con giống heo cụ kị/năm, trị giá khoảng 0,5 triệu USD.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang triển khai Chương trình GSM-102 - chương trình cung cấp bảo lãnh tín dụng để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ với lãi suất trả chậm chỉ 1%/năm. Tại Việt Nam, có 6 ngân hàng được tham gia Chương trình GSM-102 nhưng lãi suất các ngân hàng này đưa ra chưa hợp lý, dẫn đến việc triển khai chưa hiệu quả. Mong Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, xem xét tạo điều kiện cho các ngân hàng bảo lãnh Chương trình GSM-102 lãi suất từ 1-1,5% để giảm bớt gánh nặng cho các DN nhập khẩu; tạo điều kiện gia tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Điều này góp phần cân bằng thương mại Việt Nam - Mỹ và giúp giảm chi phí cho ngành chăn nuôi trong nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, bộ đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo từ trước. Trong đó, việc đàm phán với các đối tác của Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, nhằm có tiếng nói chung với Chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, bộ cũng sẽ rà soát các rào cản kỹ thuật về xuất khẩu nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Bộ cũng phối hợp với DN nghiên cứu phát triển các ngành sản xuất vật tư đầu vào cho nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích chế biến sâu, tái cơ cấu sản xuất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đa dạng thị trường. Bộ sẽ tháo gỡ các vấn đề về kỹ thuật mà Mỹ phản ánh là rào cản phi thuế quan như: kiểm dịch, dán nhãn, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với muối, trứng và đường…
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin