Báo Đồng Nai điện tử
En

Uy tín hàng Việt gia tăng

05:06, 25/06/2011

Qua hơn 1 năm rưỡi vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có thể nói trong mắt nhiều người tiêu dùng trong nước, cụm từ “hàng Việt” cũng đã định hình trên nhiều phương diện: chất lượng, mẫu mã, giá cả…

Qua hơn 1 năm rưỡi vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có thể nói trong mắt nhiều người tiêu dùng trong nước, cụm từ “hàng Việt” cũng đã định hình trên nhiều phương diện: chất lượng, mẫu mã, giá cả…

Các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như quần áo, giày dép, thực phẩm… do các DN Việt Nam sản xuất hiện đã “phủ sóng” khá rộng trên thị trường, rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã.

 

* “Nhạy” hơn với thị trường

Khảo sát thực tế một số chợ, cửa hàng lớn, siêu thị… tại TP.Biên Hòa cho thấy, hàng Việt Nam đang xuất hiện ngày một nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn trên các kệ hàng. Chẳng hạn, ở nhóm hàng thiết yếu, như: thực phẩm, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép… ngoài các nhãn hàng quen thuộc như Việt Tiến, An Phước, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Biti’s, Thuận Phát, Vinamilk… còn xuất hiện khá nhiều nhãn hàng mới với bao bì đẹp, chất lượng tốt và giá cạnh tranh.

Chọn mua thực phẩm Việt Nam tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: G.H

Tốc độ ra các sản phẩm mới của các DN Việt Nam cũng đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Chị Ngô Thị Anh, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn trên đường Nguyễn Ái Quốc, nhận xét: “Nếu trước đây, hàng Việt Nam thường rất chậm về tốc độ ra sản phẩm mới, có khi 2 - 3 năm trời vẫn chỉ một loại hàng hóa đó, bao bì đó… khiến người mua nhàm chán thì nay nhiều DN đã thay đổi, ra hàng mới nhiều hơn, nhanh hơn với mẫu mã đẹp hơn”. Chị Anh dẫn chứng, ở mặt hàng bánh kẹo, các DN Việt Nam như Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên… thường xuyên có sản phẩm mới với mùi vị và nguyên liệu khác nhau để thu hút người mua, bên cạnh đó cũng rất biết nắm bắt trào lưu “ít ngọt, ít béo, nhiều dinh dưỡng” để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Cùng chung ý kiến với chị Anh, chị Thúy Hoa chuyên bán hóa mỹ phẩm ở đường Phạm Văn Thuận, nhận định: “Riêng về ngành mỹ phẩm, khó có thể nói mỹ phẩm “thuần Việt” đã đủ sức cạnh tranh với hàng Thái Lan, Hàn Quốc hoặc hàng của các công ty liên doanh. Tuy nhiên, với các khách hàng bình dân, ít tiền thì việc những nhãn hàng mỹ phẩm quen thuộc của Việt Nam, như: Lan Hảo, Thorakao, Miss Sai Gon… liên tục ra các sản phẩm mới như hiện nay cũng rất đáng khích lệ”. Theo chị, nếu trước đây chỉ giới hạn ở vài loại sữa rửa mặt, kem trang điểm đơn điệu thì nay mỹ phẩm thuần Việt đã có nhiều sản phẩm đa dạng như son nhiều mùi, màu, phấn nền, kem lót, nước hoa, kem trị nám, sản phẩm chống lão hóa da…

Ở các mặt hàng khác như giày dép, quần áo, hàng gia dụng…, theo nhận xét của nhiều người bán hàng, tốc độ ra mắt sản phẩm mới hoặc làm mới các sản phẩm quen thuộc của các DN Việt đang ngày một nhanh hơn, đa dạng hơn.

 * Cơ hội mới

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, với hơn 84 triệu dân - trong đó đa số thu nhập trung bình và thấp - thì thị trường dành cho các sản phẩm thiết yếu và sản phẩm bình dân là vô cùng lớn. Do đó, tiếp cận thị trường này với hàng hóa có chất lượng, giá cả cạnh tranh đang là hướng đi nhiều DN hướng tới.

Hàng may mặc trong nước bán tại phiên chợ vui tổ chức ở TP. Biên Hòa.      Ảnh: K.N
Hàng may mặc trong nước bán tại phiên chợ vui tổ chức ở TP. Biên Hòa.      Ảnh: K.N

Khoảng 2 năm trở lại đây, “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp của hàng Việt Nam là hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc đang dần suy yếu với hàng loạt vụ tai tiếng về việc sử dụng các chất phụ gia độc hại, dẫn đến số đông người tiêu dùng ngần ngại và tẩy chay mua hàng Trung Quốc. Tại nhiều cửa hàng, sạp chợ, có thể thấy quy mô của hàng Trung Quốc đã thu hẹp nhiều, không còn “bành trướng” như trước. Cụ thể, ở nhóm hàng tiêu dùng, người tiêu dùng đô thị gần như đã từ chối các mặt hàng thực phẩm đóng mác “made in China”, quay sang dùng thực phẩm trong nước hoặc thực phẩm nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến có hàng rào kỹ thuật và sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn. Tương tự, với mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ trang sức Trung Quốc, người mua cũng rất ngại ngần. Do đó, hiện tại, hàng hóa Trung Quốc hiện đa phần tập trung ở những mặt hàng như quần áo, giày dép… do vẫn còn lợi thế giá rẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, DN Việt Nam nên xác định chiến lược lâu dài, không nên chiếm lĩnh thị trường theo kiểu “ăn xổi” mà bỏ qua các chiến lược đầu tư có tính bền vững về mặt chất lượng và thương hiệu.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận định: “Theo tôi, hàng Việt đã bứt phá và vượt lên hẳn hàng Trung Quốc về mặt chất lượng và ở nhiều mặt hàng, hàng Việt không thua kém hàng hóa các nước trong khu vực. Trong khi hàng hóa Trung Quốc liên tục xảy ra tai tiếng thì hàng Việt Nam ngày càng được khẳng định. Theo tôi, thời điểm này nên xem là cơ hội để DN sản xuất hàng Việt vươn lên mở rộng thị phần”.

Gia Hân

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Rocy.vn Mỹ phẩm, TPCN chính hãng