Báo Đồng Nai điện tử
En

“Đỏ mắt” tìm hàng Việt

09:06, 29/06/2011

Trải dài từ phân khúc bình dân đến cao cấp, các mặt hàng VLXD “thuần Việt”” đang phải cạnh tranh gắt gao với nhiều thương hiệu ngoại nhập, đặc biệt là các mặt hàng như gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh,  sơn…

Trải dài từ phân khúc bình dân đến cao cấp, các mặt hàng VLXD “thuần Việt”” đang phải cạnh tranh gắt gao với nhiều thương hiệu ngoại nhập, đặc biệt là các mặt hàng như gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh,  sơn…

Với nhiều nỗ lực về nâng cao công nghệ, giảm giá thành, thị trường các loại gạch ốp lát hiện tại có nhiều nhãn hiệu của các nhà sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng. Song đa số hàng Việt chỉ mới “chào hàng” phân khúc bình dân, riêng phân khúc trung - cao cấp đắt tiền và có tính mỹ thuật cao thì hàng ngoại nhập  đang chiếm ưu thế.

 * Hàng ngoại “lấn sân” nhờ giá rẻ

Cũng như nhiều nhóm hàng hóa khác, ở ngành hàng VLXD, các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trên thị trường. Khảo sát cụ thể của người viết ở nhiều cửa hàng chuyên phân phối gạch ốp lát cho thấy, hàng Trung Quốc thường rẻ hơn hàng Việt cùng loại từ 20 - 40% giá bán. Chị T.N, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp sỉ, lẻ các mặt hàng gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh trên xa lộ Hà Nội (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) nhận xét: “Ngoài ưu thế giá rẻ, gạch ốp lát và các loại bồn tắm, bồn cầu xuất xứ Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, sắc màu hơn so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Do đó, dù muốn hay không, đa số cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc ”.

Khách hàng đang chọn lựa sản phẩm vòi nước tại Hội chợ ngành vật liệu xây dựng 2010.   Ảnh: K.Giới
Khách hàng đang chọn lựa sản phẩm vòi nước tại Hội chợ ngành vật liệu xây dựng 2010. Ảnh: K.Giới

 

Bên cạnh giá rẻ, thế mạnh khác của hàng Trung Quốc trong lĩnh vực gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh là cập nhật mẫu mã rất nhanh. Chủ một cửa hàng lớn chuyên bán 2 nhóm hàng này trên đường Phạm Văn Thuận - TP. Biên Hòa, cho biết tốc độ ra mẫu mới, màu mới của hàng trong nước chậm hơn rất nhiều so với hàng Trung Quốc. “Công ty nào nhanh thì hàng tháng có mẫu mới, còn không thì 2 - 3 tháng, thậm chí lâu hơn, trong khi đó hàng Trung Quốc liên tục có mẫu, màu mới, bắt kịp với các xu hướng nội thất, khiến người tiêu dùng đô thị ngày càng xài hàng Trung Quốc nhiều hơn” - chủ cửa hàng này nói.

Một trong những mặt hàng VLXD khác mà hàng Trung Quốc hiện đang “lấn sân” là vòi nước. “Tuy nhiên, dạng vòi nước mà hàng Trung Quốc bán nhiều nhất trên thị trường hiện tại là vòi nước “nhái” những thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Ý, châu Âu với mẫu mã y như thật, song chất lượng kém hơn” - anh H., chủ một cửa hàng VLXD trên đường Nguyễn Ái Quốc - TP. Biên Hòa nhận định. Trong khi đó, vòi nước do các DN trong nước sản xuất chủ yếu chỉ đáp ứng công năng sử dụng với công nghệ chưa cao, chưa áp dụng được các kỹ thuật mới, đồng thời mẫu mã khá đơn điệu nên đành lép vế trước hàng ngoại.

* Sản phẩm cao cấp còn…bỏ trống!

Mặc dù thời gian gần đây, kính xây dựng nội địa đã thay thế khá nhiều cho hàng ngoại nhập, nhưng ở những dòng kính cao cấp như kính màu thì vẫn nhường sân cho kính ngoại. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, giám đốc Công ty TNHH Thành Hương (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất cửa kính ghép chì phục vụ ngành xây dựng cho biết, số lượng kính nội trong chỉ chiếm 5% trong sản phẩm kính ghép do doanh nghiệp chị sản xuất, số kính còn lại toàn bộ phải nhập khẩu. “Các loại kính màu chủ yếu được nhập từ châu Âu mới đảm bảo chất lượng, ngay cả kính màu của Trung Quốc cũng chưa đáp ứng chuẩn màu” - chị Hương nói.

Không riêng gì kính cao cấp, mà nhiều dòng sản phẩm khác trong lĩnh vực xây dựng như gạch ốp lát, hay thiết bị vệ sinh dòng cao cấp đều là thương hiệu ngoại (nhập khẩu hoặc do DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ở Việt Nam) như Toto, Standar American, Taicera, Caesar… Những sản phẩm của ngoại thường có giá khá cao, song chất lượng và mẫu mã hơn hẳn hàng nội nên đã chiếm lĩnh được thị trường. Hàng năm, tại các hội chợ triển lãm về ngành vật liệu xây dựng cho thấy, các sản phẩm ngoại hơn hẳn về mẫu mã, kiểu dáng.

Lĩnh vực sơn nước cũng vậy, hầu hết các loại sơn ngoại đều thuộc “chiếu trên”. Các nhãn hiệu ngoại đã lấn át trên thị trường và trở lên quen thuộc với người tiêu dùng như Nippon, Dulux, Spec, Oranges… so với sơn nội.  Anh Nguyễn Quốc Tuấn, giám đốc Công ty xây dựng Phú Kiến Hưng cũng cho rằng, tâm lý người sử dụng cũng chuộng sơn ngoại hơn. “Thường sơn cao cấp sẽ có những sản phẩm đi kèm như bột trét tường. Khi sử dụng đồng bộ các sản phẩm của cùng một hãng sản xuất là tốt nhất, vừa có độ bền cao và đẹp. Phần lớn các DN sơn ngoại đều có sản phẩm đồng bộ. Sơn nội thì chỉ ít DN trong nước như Công ty cổ phần sơn Đồng Nai có được sản phẩm đồng bộ cao cấp như vậy” - anh Tuấn nói.  

Kim Ngân - Khắc Giới


Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích