Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, dự án (DA) Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng chính thức đi vào sản xuất. Dự kiến, tần suất vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng sẽ đi ngang qua Đồng Nai khoảng 4-5 phút sẽ có một chuyến…
Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, dự án (DA) Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng chính thức đi vào sản xuất. Dự kiến, tần suất vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng sẽ đi ngang qua Đồng Nai khoảng 4-5 phút sẽ có một chuyến…
QL20 hiện xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi. |
Trong phương án vận chuyển bauxite do Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) lập kế hoạch cũng xác định, vì chưa có tuyến đường sắt từ Tây nguyên xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận) nên việc chuyên chở bauxite trước mắt sẽ được vận hành bằng ô tô đi từ nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) qua tỉnh lộ 725 (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh), theo QL20 về Dầu Giây. Tiếp đến, xe tải bauxite sẽ đi dọc tỉnh lộ 769 để tới quốc lộ 51 và cuối cùng đến cảng Gò Dầu.
QL51 vẫn còn trong giai đoạn thi công dở dang. |
* 3 tuyến đường không đảm bảo ATGT
Thông tin từ Ban Quản lý dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng cho biết, trong tháng 7 này, mẻ aluminium (nhôm) đầu tiên sẽ ra lò tại nhà máy Tân Rai. Hiện tại, đã có hơn 20.000 tấn than và xút về nhà máy để sản xuất aluminium. Qua đó cho thấy, kế hoạch vận chuyển bauxite từ nhà máy sản xuất về tới cảng Gò Dầu đã được tính toán về thời gian cụ thể… |
Đối với DA Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng do Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, thì cung đường vận chuyển bauxite dài 190 km, có điểm đầu là nhà máy Tân Rai và điểm cuối là cảng Gò Dầu (Đồng Nai), chia thành bốn đoạn. Theo đó, đoạn 1 thuộc địa phận Lâm Đồng (dài 17km), đoạn 2 từ thị xã Bảo Lộc về ngã tư Dầu Giây (120km), đoạn 3 từ ngã tư Dầu Giây ra QL51 (33,38km) và đoạn 4 từ QL51 xuống cảng Gò Dầu (20km). Như vậy, hành trình của xe chở bauxite đi ngang qua Đồng Nai chiếm gần 129km toàn tuyến, nhưng điều đáng nói ở đây là những tuyến đường này hiện đã xuống cấp trầm trọng, nhất là QL20 - tuyến đường thuộc phạm vi 3 huyện: Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất với mật dân cư hai bên đường khá đông đúc.
Cầu Suối Bí trên đường tỉnh 769 không đảm bảo an toàn cho xe 40 tấn. |
Mới đây, tiến hành khảo sát hiện trạng của các tuyến giao thông mà lộ trình chuyên chở bauxite đi ngang qua, đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã nhận định, hiện tại tình hình trật tư an toàn giao thông trên các tuyến đường này khá phức tạp; mật độ phương tiện xe cơ giới gần đây tăng đột biến. Đặc biệt là hiện tại, một số cầu trên cả ba tuyến: QL20, QL51 và đường tỉnh 769 đều có tải trọng 25 hoặc 30 tấn. Vì thế về lâu dài sẽ không đủ lực để chịu sức nặng của xe vận tải nặng 40 tấn.
- Ngày 30-6-2011, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã ký văn bản số 4392/UBND-CNN gửi Bộ GTVT và Tập đoàn công nghiệp - than khoáng sản Việt Nam, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến các tuyến giao thông mà hoạt động vận chuyển bauxite của DA Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua đó, UBND tỉnh đề nghị: Bộ GT-VT chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện sửa chữa, nâng cấp ngay những đoạn hư hỏng trên QL20, không để kéo dài thêm sẽ dân tới hư hỏng nặng; Bộ GT-VT chỉ đạo Công ty BVEC, đơn vị chủ đầu tư DA nâng cấp, mở rộng QL51 đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục thuộc công trình này; đề nghị Tập đoàn TKV, Ban quản lý DA Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng liên hệ làm việc ngay với UBND tỉnh Đồng Nai và các Sở ngành liên quan để thống nhất việc sửa chữa, nâng cấp đường tỉnh 769 trên tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Phải tiến hành ngay việc nâng cấp toàn tuyến thì mới có thể đưa vào phục vụ cho việc vận chuyển bauxite với tần suất và tải trọng như kế hoạch. Nếu không thì chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường sẽ bị hư hỏng hoàn toàn; đặc biệt là phải nắn lại một số đoạn cong, cua rất nguy hiểm về tai nạn giao thông. |
* Người dân bất an!
QL20 đoạn thuộc địa phận Đồng Nai dài 75,6km, đã hết hạn sử dụng từ lâu do bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm qua, đường được duy tu, sửa chữa nhỏ nên chỉ đạt tiêu chuẩn cấp IV. Mật độ lưu thông trên QL20 hiện đã ở mức trên 15 ngàn lượt phương tiện/ngày đêm, cao hơn rất nhiều so với thiết kế và cấp đường. Từ đó hoạt động vận tải trên QL20 đã quá mức cho phép nhiều lần. Do đó trong thời gian tới, nếu tăng thêm lượng xe tải vận chuyển bauxite lưu thông thông trên đường này thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tiến độ phát triển kinh tế của nhân dân trong khu vực. Tương tự, đường tỉnh 769 từ ngã tư Dầu Giây đến QL51 cũng là đường cấp IV, rộng 7m, được xây dựng từ năm 2001, đến nay cũng hết hạn sử dụng nhưng chưa đại tu, nâng cấp. Hiện trạng đường nhiều chỗ hư hỏng nặng; nhiều khúc cong, cua gấp nên rất nguy hiểm, nhất là tại những khu vực đông dân cư sinh sống.
Trước thực trạng của đường như hiện nay, nếu có thêm nhiều phương tiện của Tổ hợp bauxite hoạt động thì nguy cơ đường tỉnh 769 sẽ nhanh chóng bị phá hỏng. Riêng QL51 hiện đang được nâng cấp, mở rộng. Theo kế hoạch phải đến khoảng cuối năm 2012 DA mới hoàn thành. Thống kê cho thấy, lưu lượng xe trên tuyến đường này đã ở mức hơn 25 ngàn lượt xe/ngày đêm; các phương tiện cơ giới lưu thông không được bình thường, tốc độ hạn chế vì đường chưa hoàn thiện.
Nói về kế hoạch vận chuyển bauxite qua Đồng Nai, giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Văn Điệp cho biết, lạ ở chỗ, đến nay chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng của tỉnh chưa nhận được thông tin nào từ Ban Quản lý dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng về kế hoạch chuyên chở loại khoáng sản này trong thời gian tới. Do đó, khó có thể thống nhất cao trong qúa trình thực hiện, cũng như các giải pháp phối hợp xử lý, khắc phục nếu có phát sinh tình huống phức tạp. Theo ông Điệp, người dân trên các tuyến đường bauxite vận chuyển ngang qua đã thể hiện sự bất bình. Dư luận cho rằng, mật độ phương tiện trên các tuyến đường ở Đồng Nai đã quá “ngộp”, vì vậy, nếu chỉ vài phút có một xe 40 tấn chạy qua thì chẳng biết độ an toàn cho người đi đường đến đâu; nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng là điều khó tránh khỏi.
QL20 thuộc địa bàn Đồng Nai hiện có một số cầu ở tình trạng trung bình hoặc yếu. Đó là cầu Gia Đức và cầu Phương Lâm đều có tải trọng 30 tấn (trung bình). Riêng cầu La Ngà chỉ cho phép khai thác tải trọng 25 tấn. Đối với đường tỉnh 769, toàn tuyến có 7 cầu đang sử dụng gồm: Cái Hảo, An Viễng, Cầu Bản, Bình Sơn (lý trình km22+900), Bình Sơn (lý trình km 26+200), Ông Quế đều có tải trọng 25 tấn, nhưng một số cầu có dấu hiệu xuống tải. Riêng cầu Suối Bí, mặt cầu bị hư hỏng nặng nên tải trọng được hạ xuống 10 tấn. Về QL51 có 6 cầu đang nâng cấp, mở rộng: Quán Thủ 1, Quán Thủ B, Quán Tre, Cần Bản, Thái Thiện, Suối Cả, tải trọng 25 tấn. |
Ngoài Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng, còn có DA Aluminium Nhân Cơ (tỉnh ĐakNông), dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013. Khi đã có sản lượng khai thác, tuyến đường vận chuyển sẽ đi theo lộ trình 6 đoạn: Từ nhà máy Đồng Xoài (QL14) - tỉnh lộ 741 (Thủ Dầu Một) - tỉnh lộ 747 (Tân Uyên, Bình Dương) - QL1K - QL1A - cảng Gò Dầu. Theo phương án vận chuyển, đoạn 4 từ cầu Ông Tiếp di theo tỉnh lộ 760 đến cầu Hóa An; đoạn 5 đi qua nội ô TP.Biên Hòa đến ngã tư Vũng Tàu; đoạn 6 từ ngã tư Vũng Tàu xuống cảng Gò Dầu. |