Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá thực phẩm leo thang: Gánh nặng tiêu dùng

09:07, 22/07/2011

Với nhiều người, cuộc sống không chỉ gói gọn trong vấn đề ăn - ở - mặc, mà còn có hàng loạt nhu cầu khác cũng không kém phần quan trọng như: chăm sóc sức khỏe, du lịch, nghỉ dưỡng, giáo dục, tích lũy… Tuy nhiên, khi giá thực phẩm đang ở mức cao như hiện nay đã trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.

Với nhiều người, cuộc sống không chỉ gói gọn trong vấn đề ăn - ở - mặc, mà còn có hàng loạt nhu cầu khác cũng không kém phần quan trọng như: chăm sóc sức khỏe, du lịch, nghỉ dưỡng, giáo dục, tích lũy… Tuy nhiên, khi giá thực phẩm đang ở mức cao như hiện nay đã trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.

Giá thực phẩm đang đứng ở mức cao khiến nhiều người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Ảnh: V.L
Giá thực phẩm đang đứng ở mức cao khiến nhiều người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Ảnh: V.L

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có đợt khảo sát giá cả thị trường 2 miền Bắc và Nam trong nửa đầu tháng 7-2011. Theo đó, so sánh với cùng thời điểm năm 2010, giá nhiều loại thực phẩm đã tăng rất mạnh, thậm chí một số mặt hàng tăng gấp đôi, như: thịt heo và một số loại rau quả. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng cho biết, trước đây, ngoài chi tiêu cho ăn uống, họ có thể dành một phần kha khá cho những nhu cầu khác. Hiện tại, vì giá thực phẩm leo thang nên khoản chi cho ăn uống đang chiếm phần lớn thu nhập của nhiều đối tượng, như: nhân viên văn phòng, công chức, công nhân…

* Nặng gánh bữa cơm hàng ngày

Đắn đo mãi giữa mấy quầy thịt ở chợ Biên Hòa, chị Ngô Thị Thanh Nga, nhà ở phường Thanh Bình, TP. Biên Hòa vẫn chưa quyết định được sẽ chọn thịt heo hay gà cho 2 bữa ăn chính trong ngày của gia đình. “Thịt heo giá cao quá, ba chỉ 105 ngàn đồng/kg, sườn non 120 ngàn đồng; thịt gà Tam Hoàng có rẻ hơn: 75 - 85 ngàn đồng/kg tùy loại nhưng ăn thường xuyên cũng… ngán. Các loại cá đồng, hải sản hiện tại giá cũng rất cao nên người nội trợ rất khó lựa chọn” - chị Nga phân vân. Theo đó, với tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, gia đình chị đã dành đến 6 triệu đồng cho chi phí ăn uống trong và ngoài gia đình, còn lại là hàng loạt các khoản chi khác: học hành của 2 đứa con, ốm đau, cưới hỏi… Chị Nga nói, trong năm nay, khi giá thực phẩm liên tục leo thang mà thu nhập gia đình vẫn “giẫm chân tại chỗ”, gia đình chị hầu như không tích lũy được đồng nào.

Hiện tại, giá một số loại thực phẩm quen thuộc với người tiêu dùng đang rất cao so với thời điểm cuối năm 2010. Cụ thể, thịt heo 100  - 120 ngàn đồng/kg, thịt gà Tam Hoàng 75 - 85 ngàn đồng/kg, cá lóc 60 - 70 ngàn đồng/kg, một số loại cá biển: nục, bạc má, ngừ… từ 50 - 70 ngàn đồng/kg. Theo ước tính, giá một số loại thực phẩm căn bản đã tăng ít nhất 25% so với thời điểm cuối năm 2010. “Với khoản tiền chợ mỗi ngày từ 100  - 150 ngàn đồng, lượng thực phẩm mua được chỉ đủ cho gia đình 3 - 4 người ăn, cộng với các khoản khác như gạo, gia vị, tiền ăn sáng… thì mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng hầu như chỉ đủ chi tiêu cho ăn uống” - chị Nguyễn Kim Thúy, nhà ở phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa chia sẻ.

* Thắt chặt các khoản chi tiêu

Theo phân tích về thu nhập, mức sống của Cục Thống kê Đồng Nai, điểm qua các nhu cầu cũng rất thiết yếu khác, như: chi cho y tế, giáo dục, có thể thấy số % thu nhập người dân chi tiêu cho các mục này rất nhỏ: y tế khoảng 5,49% thu nhập (khoảng 68 ngàn đồng/tháng) và giáo dục là 5,03% thu nhập (63 ngàn đồng/tháng). Với số tiền ít ỏi như trên, có thể nói người dân khó lòng chạm đến các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao. Số liệu Cục Thống kê cũng “báo cáo” rõ, ngoài chi tiêu cho đời sống chiếm gần hết số tiền kiếm được hàng tháng, tất cả các khoản chi tiêu khác của người dân Đồng Nai chỉ gói gọn trong 12,46% thu nhập, bao gồm: tích lũy, du lịch, hưởng thụ các dịch vụ văn hóa - giải trí…

Mua sắm quần áo là khoản chi được “thắt chặt” của nhiều hộ gia đình công nhân, viên chức.
Mua sắm quần áo là khoản chi được “thắt chặt” của nhiều hộ gia đình công nhân, viên chức.

Anh Huỳnh Trần Nam, nhân viên hành chính một công ty nước ngoài tại KCN Hố Nai, cho biết, mặc dù nơi anh làm hàng năm có bù trượt giá vào lương cho nhân viên với mức bù từ 5 - 10% lương, song vẫn không theo kịp mức tăng giá thực tế mà người tiêu dùng phải “chịu đựng”. “Thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng, song hầu như tôi cũng chỉ đủ chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu: ăn uống khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, còn lại là thuê nhà, điện nước, phụ nuôi em, quần áo… do đó, các nhu cầu khác như du lịch, mua sắm có giá  hơi cao… nếu muốn thì phải tích lũy khá lâu” - anh Nam nói.

Còn với công nhân viên chức có mức lương thấp, những nhu cầu khác ngoài chi tiêu ăn uống hầu như đều bị cắt bỏ. Chị N.Thanh, công chức, nhà ở phường Tân Tiến cho biết, thu nhập chính của chị chỉ là tiền lương và phụ cấp theo chế độ nhà nước, khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, do đó “chẳng thể nghĩ đến điều gì khác ngoài chi tiêu cho ăn uống” - chị Thanh cho biết.

Số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tại Đồng Nai ở khu vực thành thị hiện đạt khoảng trên 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn đạt 1,1 triệu đồng. Về cơ cấu chi tiêu tính trên % thu nhập, có thể thấy chi tiêu cho đời sống (bao gồm ăn, uống, may mặc, nhà ở, điện, nước…) hiện đang chiếm đến 87,54% tổng thu nhập của mỗi người dân nói chung. Trong 87,54%, riêng chi tiêu cho lương thực và thực phẩm là 44,9% thu nhập - khoản chi “nặng gánh” nhất của người dân Đồng Nai.

 

 

 

Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều