Theo quy hoạch, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ mở rộng cảng Đồng Nai, đồng thời đầu tư thêm 16 bến cảng và cầu cảng tại các sông Nhà Bè - Lòng Tàu và Thị Vải…
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3 cảng trên sông Đồng Nai đang hoạt động, gồm: Cảng tổng hợp Đồng Nai (phường Long Bình Tân, Biên Hòa), phục vụ cho tàu có tải trọng 5 ngàn DWT (deadweight tonnage, đơn vị đo lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn), cảng chuyên dùng SCT tiếp nhận tàu 1 ngàn DWT, cảng chuyên dùng VT gas (1 ngàn DWT).
* Thực lực của hệ thống cảng hiện nay
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng tổng hợp Đồng Nai. Ảnh: T.N |
Ngoài sông Đồng Nai, trên sông Nhà Bè - Lòng Tàu hiện có 5 cầu cảng: Phú Đông (25 ngàn DWT), Phước Khánh (25 ngàn DWT), Nhơn Trạch (30 ngàn DWT), hóa dầu AP (15 ngàn DWT), Viko Wochimex (15 ngàn DWT); sông Thị Vải có 5 cầu cảng và bến cảng: Phước Thái (Vedan 12 ngàn DWT), Gò Dầu A (10 ngàn DWT), Gò Dầu B (15 ngàn DWT), Super Phosphate Long Thành (3 ngàn DWT), Unique Gas (6,5 ngàn DWT).
Thực tế, hệ thống cảng ở Đồng Nai trong thời gian qua đã trở thành chuỗi lưu thông hàng hóa khá thuận tiện, góp phần đưa hoạt động hàng hải trong khu vực tăng tốc phát triển. Trong những năm gần đây, việc khai thác dịch vụ thuộc lĩnh vực tàu vận tải trên địa bàn tỉnh đã dần liên kết được với các cảng biển Việt Nam. Đáng kể là hệ thống cảng ở Đồng Nai liên thông với hệ thống cảng biển TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi chung là cụm cảng biển nhóm 5), tiếp cận với đường hàng hải quốc tế, tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn, gắn liền với những khu trung tâm kinh tế đang phát triển. Các đơn vị thuộc cụm cảng biển nhóm 5 này được đánh giá có sự năng động, chủ động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực vận tải biển; nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hải trên các sông: Đồng Nai, Nhà Bè - Lòng Tàu và Thị Vải không ngừng lớn mạnh, đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Đồng Nai.
Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay trong hoạt động cảng trên địa bàn tỉnh là do thiếu sự kết nối với mạng lưới giao thông đường bộ, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
* Cảng ở Đồng Nai sẽ phát triển mạnh
Căn cứ vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng ở Đồng Nai đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ có nhiều bến cảng tổng hợp gồm các khu chức năng: Phước An, Gò Dầu (sông Thị Vải) là khu bến chính của cảng, chủ yếu làm hàng tổng hợp container cho tàu đến 6 vạn DWT (Phước An) và 3 vạn DWT (Gò Dầu). Ngoài ra còn có một số bến chuyên dùng của cơ sở công nghiệp dịch vụ ven sông. Bên cạnh đó, trên các sông: Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu là những khu bến cảng chuyên dùng và một số bến tổng hợp cho tàu từ 10 - 30 ngàn DWT. Cũng tại khu vực này, quy hoạch một số bến vệ tinh cho các cảng chính phục vụ cho tàu khách, tàu hàng 5 - 10 ngàn DWT; các cảng vệ tinh nhỏ trên các nhánh sông Soài Rạp, Lòng Tàu, Đồng Nai… Cụ thể, trên sông Nhà Bè - Lòng Tàu có 15 bến cảng, cầu cảng gồm: bến cảng tổng hợp Bông Sen có trọng tải 30 ngàn DWT; bến cảng tổng hợp Phú Hữu - Gemadept (30 ngàn DWT), công suất dự kiến 1,2 triệu tấn hàng tổng hợp; bến cảng tổng hợp Bến Nghé (30 ngàn DWT), cảng tổng hợp Tín Nghĩa (30 ngàn DWT); cầu cảng xăng dầu Comeco (25 ngàn DWT); cầu cảng xi măng Công Thanh (30 ngàn DWT)… Mặt khác, Bộ GTVT và UBND tỉnh đã thống nhất bổ sung thêm 8 bến cảng khác trên các sông: Đồng Nai, Lòng tàu - Nhà Bè và Thị Vải.
Một góc cảng Gò Dầu A trên sông Thị Vải. Ảnh: T.Nguyên |
Nhận định về tình hình phát triển hệ thống cảng ở Đồng Nai, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Điệp cho rằng, trong tương lai, nhiều cụm cảng sẽ được hình thành, song nếu như không có sự kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông đường bộ thì hoạt động cảng sẽ rất khó khăn. Đơn cử là tại cảng Đồng Nai, đang được triển khai mở rộng giai đoạn hai từ 8,3 hécta lên 17,13 hécta, nhưng đường dẫn vào cảng vẫn chưa hoàn thành do dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới kéo dài thời gian thi công hơn dự kiến. Hay như cụm cảng tại khu vực Ông Kèo, các phương tiện vận tải phải sử dụng tuyến đê Ông Kèo chỉ rộng 5 mét, chất lượng thấp. Trong khi đó, nếu xây dựng tuyến đường liên cảng từ phà Cát Lái đến khu công nghiệp Ông Kèo (dài 15,5km) phải mất khoảng hơn 2,5 ngàn tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí lớn, tỉnh khó có thể cân đối được.
T. Nguyên