Từ nhiều năm nay, nhập siêu (kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu) của Việt Nam luôn ở mức cao là điều đáng lo ngại cho những nhà điều hành chính sách kinh tế cấp vĩ mô. Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đặt vấn đề phải giảm nhập siêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ nhiều năm nay, nhập siêu (kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu) của Việt Nam luôn ở mức cao là điều đáng lo ngại cho những nhà điều hành chính sách kinh tế cấp vĩ mô. Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đặt vấn đề phải giảm nhập siêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng năm tăng trưởng khá cao, nhưng Ðồng Nai nhiều năm qua vẫn nhập siêu ở mức đáng lo ngại. Vậy, Ðồng Nai nhập siêu những gì?
Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu (NK) ở Ðồng Nai luôn cao hơn XK. Năm 2006, nhập siêu thấp nhất là 724 triệu USD và cao nhất là năm 2010, với hơn 1,62 tỷ USD.
* Nhập từ máy móc đến nông sản
Sở Công thương đã có một cuộc khảo sát hơn 20 doanh nghiệp (DN) có nhập siêu lớn, chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, hiện các DN FDI đang chiếm tỷ trọng trên 95% tổng giá trị kim ngạch NK hàng năm trên địa bàn. Do sự chênh lệch giữa NK và XK ở các DN này vốn dĩ luôn cao, là một trong những nguyên nhân chính khiến Ðồng Nai trở thành địa phương có tỷ lệ nhập siêu cao.
Nguyên phụ liệu cho ngành may mặc xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong ảnh: Sản xuất ở Công ty CP May Ðồng Tiến. |
Hiện tại, tư liệu sản xuất vẫn là những mặt hàng NK chính yếu, chiếm tỷ trọng từ 84 - 86% tổng kim ngạch NK, trong đó, khoảng 80% là nguyên, vật liệu cho sản xuất, còn lại là máy móc, thiết bị, phụ tùng… Trong nhóm hàng nguyên vật liệu, nhiều nhất là nguyên phụ liệu cho ngành dệt may XK, như: bông, vải, sợi. Tiếp đến là nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi; ngành giày dép XK, nguyên phụ liệu bằng kim loại như sắt, thép, đồng. Trong cơ cấu nhập siêu ở Ðồng Nai, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 11 - 12% tổng kim ngạch NK hàng năm, chủ yếu là thuốc tân dược và trang thiết bị y tế, còn lại là xe ô tô các loại, xe máy, lương thực, thực phẩm…
Về thị trường NK, các nước châu Á đang là khu vực cung cấp hàng hóa chủ yếu cho các DN ở Ðồng Nai với trên 80% giá trị kim ngạch NK trải rộng ở nhiều nhóm hàng từ vải sợi, bông, hóa chất, phân bón, cao su tổng hợp, hạt nhựa… Trong đó, Ðài Loan đang là thị trường NK lớn nhất của DN Ðồng Nai với kim ngạch NK năm 2010 trên 1,5 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc với 1,36 tỷ USD và đang có chiều hướng tăng mạnh.
Về vấn đề nhập siêu, ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, lý giải: “Một trong những nguyên nhân chính khiến Ðồng Nai nhập siêu là do đặc thù phát triển công nghiệp sớm, thu hút nhiều nhà đầu tư FDI, do đó khi các DN này mở rộng sản xuất sang các địa phương khác thì “đại bản doanh” tại Ðồng Nai tiếp tục là đầu mối nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc… vừa cung ứng cho nhu cầu trong tỉnh vừa cung ứng cho cả khu vực. Mặt khác, những thuận lợi về cảng, đường giao thông cũng khiến kim ngạch NK ở Ðồng Nai cao hơn các địa phương khác”.
* Vì sao phải nhập khẩu?
Thử điểm qua một số mặt hàng có kim ngạch NK cao, như nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vải sợi, giày dép, cao su chế biến… có thể thấy các DN nhập khẩu hàng hóa chủ yếu là do nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng. Ông Bùi Văn Tôn, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Dinh Dưỡng Á Châu (ANT ASIA) - DN có vốn đầu tư Ðài Loan tại KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom - phân tích: “Lý do ANT ASIA chưa thể gia tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước là một số loại không có, như: khô đậu nành, chất phụ gia… Một vài loại nguyên liệu thì không đáp ứng đủ, như bắp hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Ngoài ra, nguyên liệu trong nước thường có chất lượng không đồng đều và không ổn định; giá cả trồi sụt và rất khó thương lượng với nhà cung cấp”. Theo đó, hàng năm ANT ASIA phải nhập khẩu trên dưới 45 triệu USD tiền nguyên liệu.
Chế biến gỗ xuất khẩu ở một DN nhỏ tại huyện Trảng Bom. Ảnh: TL |
Ông Tôn cũng cho biết, việc phải sử dụng nguyên liệu ngoại nhập là điều “cực chẳng đã”, bởi quá trình nhập khẩu cũng chứa đựng nhiều rủi ro cho DN, như: rào cản thuế quan, kiểm dịch phức tạp, khó khăn về ngoại tệ… Chẳng hạn, trong tháng 5-2011, ANT ASIA bị buộc tái xuất một chuyến tàu nhập bắp từ Ấn Ðộ do bị nhiễm mọt, lỗ gần 6 tỷ đồng.
Tương tự, giám đốc một DN trong ngành XK giày da tại TP.Biên Hòa chia sẻ, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển dẫn đến thị trường nguyên phụ liệu nghèo nàn là nguyên nhân chính làm DN phải tăng nhập khẩu. “Giá cả phụ thuộc, giao nhận hàng và thanh toán có nhiều rủi ro, và nhất là phải “chạy vạy” ngoại tệ mỗi kỳ cao điểm là những điều làm DN có tỷ trọng NK cao rất ám ảnh. Thế nhưng vẫn chưa thể tìm ra cách nào thay thế, bởi thị trường nguyên phụ liệu trong nước còn quá nghèo nàn” - giám đốc này cho biết.
Nhập siêu của Ðồng Nai so với mộ số địa phương khác
Nhập siêu (NK/XK) | 2008 | 2009 | 2010 |
Ðồng Nai | 1.506 | 743 | 1.621 |
Bình Dương | - 386 | - 1.039 | - 1.169 |
BR - Vũng Tàu | - 10.325 | - 5.677 | - 3.942 |
TP. HCM | - 796 | - 602 | 97 |
Ðơn vị: Triệu USD
Nguồn: Sở Công thương Ðồng Nai.
Kim Ngân