Báo Đồng Nai điện tử
En

“Tham vọng” thủy điện, phá rừng nguyên sinh!

10:07, 04/07/2011

137 hécta rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Cát Tiên đang có nguy cơ bị “xoá sổ”, một khi công trình thủy điện (TĐ) Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được thực hiện trong thời gian tới…

 

137 hécta rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Cát Tiên đang có nguy cơ bị “xoá sổ”, một khi công trình thủy điện (TĐ) Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được thực hiện trong thời gian tới…

Theo quy hoạch, dự án TĐ Đồng Nai 6 có công suất thiết kế 135 MW,  phía bờ trái thuộc tỉnh Lâm Đồng và bờ phải thuộc tỉnh Đắk Nông. Còn TĐ Đồng Nai 6A có công suất thiết kế 106 MW. Cả hai dự án có diện tích nằm trong vùng lõi và vùng đệm thuộc khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai. Dự án do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư.

 * Đe dọa vùng hạ lưu sông Đồng Nai!

Nếu hai dự án này được thực hiện, không chỉ mất đi hàng trăm hécta rừng nguyên sinh, mà còn ảnh hưởng đến 145 hécta rừng phòng hộ của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Đây chính là điều mà các nhà khoa học quan ngại về những tác động khó lường của các công trình TĐ đã và đang triển khai xây dựng trên vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Bởi khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, hai dự án TĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, cùng với 20 nhà máy thủy điện bậc thang khác, chắc chắn sẽ gây xáo trộn đến môi trường và đe dọa đến sự sống của người dân ở vùng hạ lưu.

Một khi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh cảnh và vùng đất bán ngập nước.  Trong ảnh: Khu vực Bàu Sấu , Bàu Chim và thác Mỏ Vẹt ở Cát Tiên  hiện nay.
Một khi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh cảnh và vùng đất bán ngập nước. Trong ảnh: Khu vực Bàu Sấu , Bàu Chim và thác Mỏ Vẹt ở Cát Tiên hiện nay.

 

VQG Cát Tiên có diện tích hơn 70 ngàn hécta, nằm trên địa giới hành chính ba tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Với chức năng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; phòng hộ rừng đầu nguồn hồ thủy điện Trị An; thực hiện nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Khoảng 50% diện tích của Cát Tiên là rừng cây xanh, 40% rừng tre, 10% là nông trại. Động vật đặc trưng bao gồm: tê giác Java một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấu, nai... Cát Tiên là nơi cư ngụ của 40 loài động vật nằm trong sách đỏ thế giới, trong đó đặc biệt là loài tê giác. Là một “kho báu” có tầm quan trọng đặc biệt về hệ sinh thái đối với môi trường trong khu vực, tháng 8-2005, VQG Cát Tiên đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cũng trong năm này, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu ở Cát Tiên là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ 2 của Việt Nam với tổng diện tích là 13.759 hécta (trong đó có 5.360 hécta đất ngập nước theo mùa, 151 hécta đất ngập nước quanh năm). Để tiếp tục nâng cao giá trị bảo tồn, năm 2006, VQG Cát Tiên chính thức làm hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Theo quy hoạch, TĐ bậc thang vùng thượng nguồn sông Đồng Nai và hai chi lưu là sông La Ngà và sông Bé hiện phải “gánh” 20 công trình. Hiện tại, có 6 TĐ đang hoạt động, công suất 1.632 MW. 14 bậc thang còn lại đang triển khai xây dựng, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp thêm 1.576 MW điện phục vụ trong khu vực. Riêng các dự án TĐ trên sông chính Đồng Nai sẽ đạt 1.849 MW. Ngoài ra, lưu vực sông Đồng Nai còn có hàng trăm dự án thủy điện nhỏ đã và đang xây dựng.

 

Trước khả năng mất đứt hàng trăm hécta rừng, nếu hai dự án TĐ 6 và 6A được thực hiện trong thời gian tới, các nhà khoa học còn lưu ý, phát triển thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ làm biến đổi tài nguyên rừng, cũng như hệ sinh thái trong VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Đáng kể là không chỉ có hệ sinh thái của VQG và rừng phòng hộ bị ảnh hưởng mà cả lưu vực sông Đồng Nai cũng chịu tác động lớn. Trong đó, thiệt hại lớn nhất thuộc về vùng phát triển kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

 * Cuộc “đánh đổi” lạ lùng!

Trong một lần về VQG Cát Tiên làm việc mới đây, nói về những vấn đề liên quan đến các công trình thủy điện (TĐ) bậc thang trên vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông - Việt Nam nhấn mạnh: Có 7 nguyên tắc để phát triển TĐ. Đó là: được sự chấp thuận của công chúng; đánh giá những phương án có lợi nhất; xem xét hiệu quả của các công trình TĐ hiện có; duy trì hiệu quả bền vững cho các con sông; công nhận quyền hợp pháp và lợi ích đối với những hộ dân bị di dời khi làm TĐ; bảo đảm sự tuân thủ quy tắc bảo vệ môi trường và cuối cùng là phải chia sẻ nguồn nước với các con sông liên quan. Trong 7 nguyên tắc này thì yếu tố tác động đến môi trường và con người là vấn đề hàng đầu phải được quan tâm, nhưng các nhà quy hoạch TĐ đã “quên” đi điều này.Theo tiến sĩ Tứ, cuộc “đánh đổi” giữa rừng và TĐ là cách làm lãng phí đối với môi trường thiên nhiên đã tồn tại hàng ngàn năm như VQG Cát Tiên. Qua đó, ông khẳng định, nếu cứ tiếp tục phát triển TĐ ở thượng lưu sông Đồng Nai thì vùng hạ lưu sẽ không tránh khỏi thảm họa. Trước tiên là sẽ mất rừng, mất đất sản xuất. Tiếp đến, khi chặn dòng sông để làm hồ chứa thì môi trường sinh thái, nguồn nước sẽ bị thay đổi, làm mất cân bằng dòng chảy. Đáng nói là, một khi phù sa không về như trước, chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng xói lở các bờ sông. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm nhưng cũng tham gia, đầu tư làm TĐ. Do đó, việc vận hành, điều tiết các công trình TĐ mạnh ai nấy làm, sẽ tạo nên những hệ lụy hết sức nguy hiểm. Tiến sĩ Tứ còn cho biết, ông rất “hoảng” mỗi lần hình dung trong tương lai, nếu một thủy điện trên thượng nguồn gặp sự cố, sẽ có tác động dây chuyền, lúc ấy khả năng gây lũ nhân tạo là khó tránh khỏi. Qua đó, sẽ dẫn đến cạn kiện nước trong mùa khô, không đủ cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Đây chính là hậu quả khó lường của sự “đánh đổi” giữa rừng và TĐ.

Một trong những nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai đang xây dựng. Ảnh: T. Nguyên
Một trong những nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai đang xây dựng. Ảnh: T. Nguyên

 

Đề cập về những mất mát của rừng khi hai dự án TĐ 6 và 6A khả năng sẽ triển khai xây dựng, Giám đốc VQG Cát Tiên Trần Văn Thành không khỏi băn khoăn, lo lắng đối với việc bảo tồn các loài động, thực vật và khu sinh cảnh Bàu Sấu. Ông Thành nhận định, mất rừng cũng đồng nghĩa với việc hủy diệt môi trường sống của các loài động, thực vật mà lâu nay VQG hết sức vất vả mới giữ được. Ngoài ra, khi những dự án này hoàn thành, công trình sẽ mở một số tuyến giao thông ra vào công trình, tạo thêm điều kiện cho việc xâm lấn của con người vào rừng vốn khá phức tạp lâu nay.

 

* PGS-TS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam) cho rằng, việc xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên đất VQG là sự thiếu cân nhắc giữa bảo tồn môi sinh và kinh tế. Thực tế, bảo tồn để phát triển, kinh tế cũng để phát triển, nhưng quan trọng ở chỗ là phải lựa chọn hướng phát triển phù hợp, sao cho “được” phải nhiều hơn “mất”!

* Ông Nguyễn Đình Xuân, ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội đánh giá, 137 hécta rừng dường như không quá lớn so với tổng diện tích VQG Cát Tiên. Song, việc biến một “vùng không ngập nước” thành “một vùng ngập nước” sẽ thay đổi về mực nước cùng những tác động xấu khác. Cho nên,  ảnh hưởng của việc xây dựng TĐ 6 và TĐ 6A không chỉ gói gọn trong 137 hécta rừng nằm trong quy hoạch, mà bao trùm cả hệ động, thực vật của toàn khu vực Cát Tiên.

 * Theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam), các công trình TĐ trên lưu vực sông Đồng Nai có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, việc quy hoạch TĐ bậc thang lại không được xem xét hiệu quả tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn và dòng chảy. Trước đây, khi thủy triều lên, nước mặn chỉ dừng lại phía dưới cầu Đồng Nai, nhưng gần đây, độ mặn đã lên rất cao, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt của người dân ở TP.Biên Hòa. Nguyên nhân của tình trạng mặn xâm thực sâu trên sông Đồng Nai, một phần do nguồn nước phía thượng nguồn bị giảm khi làm TĐ, từ đó không tạo được lực để đẩy nguồn mặn ra xa.

 

Tạ Nguyên


 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều