Trồng nấm rơm là một nghề vốn không xa lạ với người dân ở xã thuần nông Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, những năm trước đây, công việc này không phát triển được do nông dân chưa nắm được kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp nên dần dần bị lãng quên. Thời gian gần đây, nhiều người dân ở đây đã bắt đầu khôi phục lại làm nấm rấm
Trồng nấm rơm là một nghề vốn không xa lạ với người dân ở xã thuần nông Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, những năm trước đây, công việc này không phát triển được do nông dân chưa nắm được kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp nên dần dần bị lãng quên. Thời gian gần đây, nhiều người dân ở đây đã bắt đầu khôi phục lại làm nấm rấm
Chị Nguyễn Thị Huệ , người có nhiều năm trồng nấm rơm tại ấp Bình Tân, xã Xuân Phú cho biết, từ ngày nhận làm bảo vệ Công ty hạt điều Thành Công, chị đã tận dụng hơn 1 hécta sân phơi hạt điều vào mùa mưa để trồng nấm. Và từ đó đến nay gia đình chị đã có cuộc sống khá lên nhờ vào trồng nấm.
Nông dân xã Xuân Phú, Xuân lộc đang thu hoạch nấm rơm.
Chị Huệ trồng nhiều loại nấm như: linh chi, mộc nhĩ, nhưng nhiều nhất vẫn là nấm rơm. Nấm rơm khi đã cấy men, ủ rơm , tưới nước sau 11 ngày là bắt đầu cho thu hoạch trong thời gian 10 ngày. Hiện với 1 hécta, mỗi vụ chị thu hoạch từ 6 đến 7 tấn nấm. Với giá nấm trên thị trường hiện bình quân 35 ngàn đồng/kg, cao điểm có thể lên tới 60 ngàn đồng/kg, gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Chị Huệ nói: “Trồng nấm cho thực phẩm sạch, không có sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Trước khi chưa làm nấm, gia đình tôi rất khó khăn. Mỗi năm tôi trồng nấm từ tháng 5 đến tháng 10 và có tích lũy khoảng 100 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư”.
Không riêng gì gia đình chị Huệ, Xuân Phú hiện có 26 hộ dân đang trồng nấm rơm với diện tích trên 30 hécta, tập trung nhiều ở các ấp Bình Tân và Bình Hòa. Riêng ở ấp Bình Tân đã có một tổ làm nấm rơm với gần chục hộ làm nấm. Làm nấm rơm đang hấp dẫn người dân nơi đây vì trước hết nguồn liệu tại chỗ dồi dào, diện tích sản xuất không cần nhiều, kỹ thuật lại đơn giản, các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia vào lúc nông nhàn. Nhờ vậy, nghề trồng nấm đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thấy được hiểu quả của nghề trồng nấm, hội nông dân xã Xuân Phú đang tiến hành các thủ tục để thành lập câu lạc bộ năng suất cao về cây nấm, nhằm quy tụ người trồng nấm vào một tổ chức để dể dàng triển khai các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, giải quyết đầu ra và nâng mức thu nhập cho người dân địa phương. Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Nguyễn Văn Đăng, trồng nấm rơm phải đảm bảo các yêu cầu về giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản và thu hoạch. Nấm rơm có thể trồng quanh năm, tùy điều kiện thời tiết mà áp dụng các biện pháp khác nhau để khắc phục tình trạng bất lợi. Nấm rơm có thể trồng được ở nhiều địa hình, đất ruộng, trong vườn cây, trên nền đất, nền xi măng, trong nhà xưởng. Tuy nhiên địa điểm phải cao ráo, sạch sẽ, không bị ngập úng…
Ngọc Hoàng - Lê Tùng