Ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom mấy năm gần đây nhiều người dân ngạc nhiên trước đội xe tải gần chục chiếc của Công ty TNHH Anh Minh Kim. Hàng ngày, đội xe này đi lùng sục mua những cây cà phê, cây ăn trái do người dân chặt bỏ, bìa gỗ, gỗ vụn của những xưởng cưa và cơ sở làm mộc đưa về không phải để làm củi mà để làm nguyên liệu cho gỗ nhân tạo.
Ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom mấy năm gần đây nhiều người dân ngạc nhiên trước đội xe tải gần chục chiếc của Công ty TNHH Anh Minh Kim. Hàng ngày, đội xe này đi lùng sục mua những cây cà phê, cây ăn trái do người dân chặt bỏ, bìa gỗ, gỗ vụn của những xưởng cưa và cơ sở làm mộc đưa về không phải để làm củi mà để làm nguyên liệu cho gỗ nhân tạo. Cứ 2 xe gỗ phế phẩm chở về thì lại có một xe hàng được chở đi.
Anh Tuyến đang kiểm tra một máy xay gỗ. Ảnh: V.Nam |
Đưa chúng tôi thăm xưởng sản xuất, anh Bùi Quang Tuyến, Giám đốc công ty giới thiệu, doanh nghiệp (DN) đang sử dụng nguồn gỗ phế phẩm để tái chế thành dăm gỗ cung cấp cho các DN sản xuất ván okan, ván gỗ dăm. Mỗi ngày công ty xuất xưởng trên 30 tấn hàng. “Năm 2008 tôi mới sản xuất sản phẩm này, lúc đó mỗi tháng chỉ cung cấp cho thị trường được 400 tấn, hiện nay đã lên đến 1 ngàn tấn/tháng. Ở trong tỉnh có rất nhiều xưởng sản xuất gỗ, nguồn gỗ phế phẩm nhiều, nhưng DN sản xuất gỗ dăm lại không có vì vậy gỗ vụn chủ yếu được bán cho các lò gạch, gốm để làm củi đốt. Tính ra giá trị rất thấp, nhưng khi xay ra thành dăm thì nó lại là nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ nhân tạo giá trị tăng lên gấp nhiều lần”, anh Tuyến tâm sự. Cứ 100 tấn gỗ phế phẩm thì anh Tuyến thu được 60 tấn dăm gỗ và 40 tấn chất đốt cho lò gạch tuynel.
Anh Tuyến cho biết, anh đến với nghề sản xuất dăm gỗ cũng khá tình cờ. Trước đây, DN anh chuyên sản xuất palết theo hợp đồng của những DN làm hàng xuất khẩu ở các khu CN Nhơn Trạch, Biên Hòa. Khi ấy, nguồn gỗ vụn và bìa gỗ rất nhiều, có những lúc phế phẩm này rẻ quá bán không được phải gọi người cho để giải phóng mặt bằng. Lúc đó anh luôn trăn trở về việc xử lý nguồn gỗ này làm gì để không bị lãng phí. Một lần sang tỉnh Bình Dương thăm người bạn, thấy nơi đây sử dụng dăm gỗ để sản xuất ván okan, vậy là anh nghĩ ngay đến việc phải biến nguồn gỗ phế liệu này thành gỗ dăm. Bắt tay vào sản xuất gỗ dăm cũng gặp không ít khó khăn như việc phân loại gỗ, kích cỡ dăm, độ ẩm... Phải mất nửa năm anh mới cho ra được sản phẩm đủ tiêu chuẩn.
Do nhu cầu sử dụng gỗ nhân tạo để sản xuất đồ mộc ngày càng nhiều nên dăm gỗ tiêu thụ khá tốt. Anh Tuyến cũng cho biết, hiện nay công ty anh đang cung cấp hàng cho một số DN, trong đó có một đơn vị lấy hàng khá nhiều để sản xuất gỗ ván dăm xuất khẩu. Đầu ra của sản phẩm thuận lợi và chủ động được nguồn nguyên liệu, nên sản lượng hàng của Công ty Anh Minh Kim liên tục tăng. Theo kế hoạch, sang năm 2012 DN sẽ tăng sản lượng lên khoảng 1.500 tấn mỗi tháng. Anh Tuyến cũng đang ấp ủ cho việc đầu tư máy móc để sản xuất ra các loại gỗ nhân tạo cung cấp cho thị trường. Như hiện nay, DN anh mới chỉ đảm nhận được 1 khâu trong các công đoạn làm ra sản phẩm gỗ nhân tạo. Khi đó, giá trị của những đống gỗ phế liệu sẽ được nâng lên cao hơn nữa. .
Vân Nam