Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp sản xuất gốm Biên Hòa: Băn khoăn trước việc di dời!

09:08, 22/08/2011

Sau một thời gian dài các doanh nghiệp (DN) gốm không thể mở rộng sản xuất để chờ di dời, đến nay thời hạn di dời đã đến (dự kiến kết thúc cuối năm 2012) thì các DN này lại tỏ ra băn khoăn!

Sau một thời gian dài các doanh nghiệp (DN) gốm không thể mở rộng sản xuất để chờ di dời, đến nay thời hạn di dời đã đến (dự kiến kết thúc cuối năm 2012) thì các DN này lại tỏ ra băn khoăn!

ADVERTISEMENT

Công nhân đang chấm men ở DNTN Phát Thành - Biên Hòa.    Ảnh: V.NAM
Công nhân đang chấm men ở DNTN Phát Thành - Biên Hòa. Ảnh: V.NAM

Đến nay, TP.Biên Hòa đã tổ chức xong việc bốc thăm nhận đất vào cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh cho 38 DN, cơ sở và Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai với diện tích 305.200m2. Hiện TP.Biên Hòa đang triển khai việc thông báo đến các DN nộp tiền hạ tầng. Ông Nguyễn Hữu Tấn, chủ DNTN gốm Phát Thành ở phường Bửu Hòa, trăn trở với tổng chi phí di dời toàn bộ nhà xưởng sản xuất cùng với tiền đóng hạ tầng của DN lên đến gần 10 tỷ đồng. “Chuyển về cụm gốm Tân Hạnh, tôi phải xây dựng mới hoàn toàn, số tiền này tốn khoảng 6 tỷ đồng, đóng tiền hạ tầng hết 3 tỷ đồng nữa. Như vậy chi phí gần 10 tỷ đồng, chưa kể đến khoản tiền thuê đất hiện chưa biết là bao nhiêu. Trong nhiều năm qua sản xuất gốm gặp nhiều khó khăn, không có dư dả để tích lũy nên bây giờ phải bỏ ra một số tiền lớn như vậy là quá sức!”.

ADVERTISEMENT

Phát Thành chỉ là một DN nhỏ có chưa đầy 50 lao động mà chi phí di dời xây dựng nhà xưởng đến mức vậy, với những DN lớn hơn sẽ đòi hỏi nguồn vốn nhiều hơn. Cũng trong tâm trạng đầy lo lắng, giám đốc một DN gốm lớn ở Bửu Hòa cho hay, để di dời vào cụm công nghiệp, DN của ông phải bỏ ra số tiền gần 50 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ, nhất là trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Vị giám đốc này chia sẻ: “Lãi suất ngân hàng quá cao, đi vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản vào lúc này thì không thể chịu nổi. Vốn của DN  không có bao nhiêu, bởi vậy phương án di dời vào cụm gốm nếu không được sự hỗ trợ mạnh của nhà nước thì khó có thể triển khai được. Nếu để tự DN di dời vào cụm gốm tôi nghĩ sẽ có trên 50%  DN gốm phải bỏ cuộc. Hầu hết các DN gốm ở đây đều là DN nhỏ đi lên từ hộ gia đình có  số vốn rất ít, chủ yếu là làm đến đâu mở rộng dần đến đó”.

Những lo lắng của các chủ DN gốm cũng khá rõ khi nhìn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành này suốt mấy năm gần đây, bởi có tới 90% sản phẩm gốm của Biên Hòa được xuất khẩu. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của ngành gốm đạt 6,5 triệu USD, sang năm 2009 giảm xuống còn 5,2 triệu USD và năm 2010 chỉ còn 4,5 triệu USD. Năm 2011, kế hoạch gốm xuất khẩu được xây dựng  phấn đấu 4,7 triệu USD.

ADVERTISEMENT

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, nói: “Hiện nay, các DN gốm làm ăn không phải là dễ dàng gì nên họ rất lo lắng trước việc phải di dời vào cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh. Gần 10 năm nay DN phải co cụm làm ăn , không phát triển được nên vốn tích lũy không có. Khi vào cụm gốm, không chỉ lo về vốn mà bài toán về lao động cũng không phải dễ dàng, bởi phần lớn công nhân cho ngành gốm hiện nay là nguồn lao động tại chỗ, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi. Do vậy nếu phải đi xa thì họ gặp khó khăn. Với nhiều địa phương khác phải tạo dựng những làng nghề, trong khi đây là nghề truyền thống có tiếng của Đồng Nai, tôi nghĩ cũng cần sự trợ giúp của tỉnh cho ngành này phát triển”. 

Về vấn đề này, Hiệp hội gốm cũng đã có kiến nghị với Sở Công thương và UBND TP. Biên Hòa miễn 100% tiền hạ tầng cho DN, chỉ phải trả tiền thuê đất và cho trả chậm. Theo Hiệp hội gốm thì ngành gốm hiện nay đang khó khăn, một phần cũng do việc thực hiện quy hoạch kéo dài đã khiến DN hoạt động cầm chừng, không được đầu tư phát triển. Việc xây dựng hạ tầng của cụm công nghiệp này cũng quá chậm khiến chi phí đội lên cao, DN gốm phải “cõng” khoản tiền này sẽ trở thành khó khăn kép. Cũng theo Hiệp hội gốm, việc tạo điều kiện cho các DN gốm tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp các DN có vốn đầu tư, thực hiện việc di dời nhanh hơn.

Vân Nam


 

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT