Báo Đồng Nai điện tử
En

Duy trì tăng trưởng, tìm cách giảm nhập siêu

09:08, 15/08/2011

Trong buổi tọa đàm trực tiếp với Đài Tiếng nói Việt Nam diễn ra vào ngày 14-8, lãnh  đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã chia sẻ một số khó khăn hiện tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước giảm lạm phát, mặt khác vẫn phải duy trì tăng trưởng trên 13%.

Trong buổi tọa đàm trực tiếp với Đài Tiếng nói Việt Nam diễn ra vào ngày 14-8, lãnh  đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã chia sẻ một số khó khăn hiện tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước giảm lạm phát, mặt khác vẫn phải duy trì tăng trưởng trên 13%.

Để giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, hàng loạt vấn đề đang đặt ra cho Đồng Nai: khó khăn khi phải cắt giảm các dự án theo tinh thần Nghị quyết 11, giảm nhập siêu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi…

* Kiên định với mục tiêu và giải pháp

Sau gần 6 tháng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Đồng Nai đã đạt được một số kết quả cụ thể. Chẳng hạn, ngoài 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã tính từ đầu năm, qua tính toán còn tiết kiệm thêm 10% trong những tháng cuối năm là 60 tỷ đồng; rà soát cắt giảm trên 400 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách. Trong đó, đình hoãn thực hiện 56 dự án và giãn tiến độ 5 dự án; hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng…

Chính sách tiền tệ chặt chẽ, lãi suất cao là một trong những thách thức lớn khi thực hiện Nghị quyết 11, vì Đồng Nai là địa phương có nhu cầu vốn ngân hàng lớn.
Chính sách tiền tệ chặt chẽ, lãi suất cao là một trong những thách thức lớn khi thực hiện Nghị quyết 11, vì Đồng Nai là địa phương có nhu cầu vốn ngân hàng lớn.

Về những thách thức hiện tại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cho rằng, đáng chú ý nhất là những bất cập khi một số dự án giao thông, hạ tầng phải đình hoãn. Theo đó, nhiều tuyến đường của tỉnh đã xuống cấp nặng, công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng thực hiện nhiều năm qua, cho đến năm 2011 mới đủ điều kiện khởi công mới, nhưng do thực hiện Nghị quyết 11 nên phải ngưng lại. Việc này làm kéo dài tình trạng lưu thông khó khăn dễ dẫn đến tai nạn, gây bức xúc cho người dân. Mặt khác, Đồng Nai có di dân cơ học khá lớn nên số học sinh phổ thông các cấp tăng nhanh, nhiều trường trong tỉnh thiếu lớp học khi các dự án trường lớp phải tạm ngưng…

Để duy trì tăng trưởng ổn định năm 2011 ở mức 13%, tỉnh quyết tâm thực hiện những giải pháp chính như: chú trọng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các dự án thân thiện môi trường; hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tăng cường theo dõi, nắm sát tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, để kịp thời đề xuất tháo gỡ về cơ chế chính sách, vốn, thị trường, lao động…

* Tìm cách giảm nhập siêu

Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thu hút đầu tư của Đồng Nai. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 7-2011, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn khoảng 517 triệu USD, đạt 60,8% so kế hoạch năm, và chỉ bằng 90,2% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, thu hút vốn vẫn là vấn đề nan giải khi các khu công nghiệp của Đồng Nai hiện không còn nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lục Hòa - Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, tỉnh chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà kêu gọi đầu tư có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng dự án, phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn 2011-2015. “Do đó, sẽ không có tình trạng thu hút đầu tư ồ ạt, mà thực hiện các giải pháp như: tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối vào các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông; đầu tư hạ tầng khu dân cư, dịch vụ phục vụ khu công nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực, cung ứng lao động; tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư” - ông Hòa trình bày.

Một trong những thách thức lớn khác là vấn đề giảm nhập siêu. Hiện tại, Đồng Nai đang là địa phương duy nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhập siêu với kim ngạch nhập siêu hàng năm trên dưới 1 tỷ USD. Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, nhìn nhận nhập siêu là thực tế, song do là địa phương phát triển công nghiệp sớm nên hiện Đồng Nai đang đóng vai trò là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của cả nước. “Tuy vậy, Đồng Nai luôn có giải pháp để hạn chế nhập khẩu, cụ thể như, đã triển khai một số giải pháp  thực hiện cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, triển khai quy hoạch các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo nguồn nguyên liệu chủ động và ổn định cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu…” - ông Dành nói.

Hiện tại, Đồng Nai cũng đã nghiên cứu đổi mới công tác xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước đối với nông sản (bắp, mì lát…) là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức vùng nguyên liệu gắn kết với các đơn vị sản xuất trong tỉnh, vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản vừa giúp nhà sản xuất mua được nguồn hàng đáp ứng được yêu cầu, góp phần hạn chế nhập khẩu.

Tăng cường hỗ trợ DN, tập trung sản xuất là giải pháp chính của tỉnh nhằm ổn định tăng trưởng ở mức trên 13%.
Tăng cường hỗ trợ DN, tập trung sản xuất là giải pháp chính của tỉnh nhằm ổn định tăng trưởng ở mức trên 13%.
Tiếp tục theo dõi và hỗ trợ DN

Ông Nguyễn Lục Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư nhận xét, Nghị quyết 11 yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để góp phần kiềm chế lạm phát. Thời gian qua, lãi suất ngân hàng thực tế tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, song muốn giảm lãi suất, trước hết lạm phát phải giảm. “Do đó, Ban hành động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định lãi suất, đối tượng vay  để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Một số doanh nghiệp có đề nghị hỗ trợ lãi suất, nhưng việc làm này không phù hợp trong giai đoạn kiềm chế lạm phát, vì vậy,  tỉnh chưa xem xét giải quyết” - ông Hòa nói. Ngoài ra, Ban hành động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh cũng sẽ thường xuyên nhận thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ để đề xuất, xử lý kịp thời các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp.

Gia Hân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vi Lâm

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều