Suốt một thời gian dài, lãi suất tiền đồng (VNĐ) luôn ở mức 18 - 24%, trong khi lãi suất huy động và lãi vay USD liên tục hạ do ảnh hưởng bởi các chính sách chống đô la hóa nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi vay USD chỉ ở khoảng 4 - 6%/năm. Đây là nguyên nhân làm nhu cầu vay USD tăng mạnh trong những tháng qua. Với địa bàn có tỷ lệ nhập siêu hàng năm trên dưới 1 tỷ USD, liệu điều này có đáng lo ngại?
Suốt một thời gian dài, lãi suất tiền đồng (VNĐ) luôn ở mức 18 - 24%, trong khi lãi suất huy động và lãi vay USD liên tục hạ do ảnh hưởng bởi các chính sách chống đô la hóa nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi vay USD chỉ ở khoảng 4 - 6%/năm. Đây là nguyên nhân làm nhu cầu vay USD tăng mạnh trong những tháng qua. Với địa bàn có tỷ lệ nhập siêu hàng năm trên dưới 1 tỷ USD, liệu điều này có đáng lo ngại?
Tín dụng ngoại tệ 7 tháng đầu năm trên địa bàn Đồng Nai tăng trưởng gấp 3 lần tiền VNĐ.Ảnh: V.LÂM
Vào thời điểm này, mặc dù giới doanh nghiệp đang đặt niềm tin vào các chính sách bình ổn lãi suất có thể sẽ được quan tâm khi ngân hàng Nhà nước có tân thống đốc, song việc CPI tháng 7 tăng cao ngoài mong đợi cũng làm giảm bớt kỳ vọng vào việc hạ lãi suất tiền đồng. Do đó, nhiều chi nhánh ngân hàng tại Đồng Nai cho biết, nhu cầu vay USD vẫn đang tăng.
* USD - VNĐ mất cân đối
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trên địa bàn Đồng Nai (chủ yếu là USD) đang trong tình trạng mất cân đối so với tín dụng tiền đồng. Theo đó, hiện tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã gấp 3 lần tăng trưởng của VNĐ, với tỷ lệ tăng của ngoại tệ 30, 67% và VNĐ là 10,15% so với thời điểm cuối năm 2010.
Về huy động ngoại tệ, cũng theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến hết tháng 7-2011, tỷ lệ nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ đã giảm từ trên 17% ở thời điểm cuối tháng 6-2011 xuống còn hơn 15% trong tổng nguồn vốn huy động được trên địa bàn. Điều này chứng tỏ, chênh lệch lãi suất huy động VNĐ và USD đã làm cho việc huy động USD của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Giám đốc một ngân hàng TMCP có trụ sở ở TP. Biên Hòa thừa nhận, để huy động được USD từ dân cư, các ngân hàng nhỏ đã phải trả lãi vượt trần từ 2,5 - 3%/năm, trong khi lãi suất trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tối đa là 2%/năm.
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cũng cho biết, huy động USD 7 tháng đầu năm giảm khá mạnh so với cuối năm 2010, một phần do các ngân hàng TMCP Nhà nước không dám vượt trần lãi suất. Tại một số chi nhánh khác, huy động VNĐ cũng tăng mạnh do lãi suất cao, trong khi huy động USD ngày một khó.
* Dè dặt với nhu cầu vay USD
Huy động khó, nhu cầu vay lại cao dẫn đến những lo ngại về thanh khoản USD trong tương lai và gây áp lực lên tỷ giá là điều mà nhiều ngân hàng đang lo lắng. Ngoài ra, không loại trừ khả năng đồng USD sẽ chạy lòng vòng gây rối thị trường khi người cần vay USD lại không thuộc đối tượng được vay, phải mua lại của các DN vay được USD nhưng không cần dùng.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, phân tích tín dụng ngoại tệ trên địa bàn Đồng Nai tăng mạnh chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… của các DN trên địa bàn, và khi nguồn vốn này được hướng đến sản xuất thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ quá mạnh sẽ nảy sinh căng thẳng ở những thời điểm áp lực trả nợ lên cao. “Do đó, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ theo dõi hoạt động ngoại hối trên địa bàn một cách chặt chẽ, bên cạnh đó, yêu cầu các ngân hàng khi giải quyết nhu cầu vay ngoại tệ cần làm đúng các quy định về đối tượng vay, nguồn trả nợ…” - ông Tuấn nói.
Mặc dù các chi nhánh ngân hàng tại Đồng Nai vẫn có thể trông cậy vào khả năng điều phối ngoại tệ của các hội sở chính khi cần thiết, nhưng các giám đốc một số chi nhánh ngân hàng lớn, nhỏ tại Đồng Nai khẳng định những tháng cuối năm sẽ dè dặt hơn trước các nhu cầu vay USD của doanh nghiệp. Vietcombank Đồng Nai cho biết, đến hết tháng 6-2011, tín dụng ngoại tệ đã tăng trên 10% so với cuối năm 2010, và từ nay đến cuối năm, chi nhánh này sẽ hạn chế hơn đối với nhu cầu vay ngoại tệ vì e ngại tỷ giá có thể biến động như thông lệ những năm qua.
Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm khoảng 60% so với cuối năm 2010 do có thế mạnh về xuất nhập khẩu cũng như nguồn ngoại tệ, song Eximbank Đồng Nai cũng dự tính sẽ thận trọng hơn với các khoản vay ngoại tệ, cũng bởi những lo lắng về sự biến động của tỷ giá ở quý III và IV, khi nhu cầu vay ngoại tệ có thể sẽ còn tăng mạnh do DN cần USD nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu để giải quyết các đơn hàng cuối năm. Tương tự, lãnh đạo ACB Đồng Nai cho hay, chi nhánh hiện cũng không khuyến khích tăng dư nợ USD, dù tăng trưởng tín dụng USD những tháng đầu năm không lớn, khoảng trên dưới 10%.
Vi Lâm