Báo Đồng Nai điện tử
En

Vốn ngân hàng: Nông dân khó “chạm”

09:08, 26/08/2011

Là địa bàn có ngành chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, chế biến nông sản… phát triển nên nhiều năm qua, tín dụng khu vực nông nghiệp - nông thôn luôn có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người dân có nhu cầu vẫn chưa chạm được vào vốn ngân hàng.

Giao dịch tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai.  Ảnh: V. LÂM
Giao dịch tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai. Ảnh: V. LÂM
Là địa bàn có ngành chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, chế biến nông sản… phát triển nên nhiều năm qua, tín dụng khu vực nông nghiệp - nông thôn luôn có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người dân có nhu cầu vẫn chưa chạm được vào vốn ngân hàng.

Nghị định số 41 của Chính phủ về tín dụng khu vực nông nghiệp - nông thôn ban hành năm 2010 được coi là cơ sở quan trọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong những năm tới. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều điều phải tháo gỡ.

* Tăng trưởng chưa như kỳ vọng

Không thể phủ nhận số dư nợ lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trên 8,4 ngàn tỷ đồng hiện tại là khá lớn so với nhiều địa phương khác (đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai). Tuy nhiên, con số này chưa nhiều so với tổng dư nợ trên 51 ngàn tỷ đồng trên địa bàn Đồng Nai. Trong buổi họp sơ kết Nghị định 41 mới đây tại NHNN chi nhánh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cũng nhận xét rằng mức tăng này chưa được như kỳ vọng và còn có khả năng tăng hơn nữa. Chưa kể, trong số hơn 8,4 ngàn tỷ đồng dư nợ nông nghiệp - nông thôn có đến hơn 33% là dư nợ phi nông nghiệp.

Một vấn đề khác, dù NHNN kêu gọi nhiều, song số lượng ngân hàng thương mại tham gia cho vay ở khu vực nông nghiệp - nông thôn còn khá hạn chế. Hiện tại, dư nợ chủ yếu của lĩnh vực này rơi vào một số ít ngân hàng như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng Đại Á, ngân hàng Chính sách xã hội… với lượng vốn cho vay chiếm đến trên 5 ngàn tỷ đồng. Còn lại gần 20 chi nhánh ngân hàng khác đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai tuy có tham gia nhưng lượng vốn bỏ ra không nhiều, bởi một số lý do: mạng lưới bó hẹp ở đô thị, sợ rủi ro, không mặn mà với các khoản vay nhỏ lẻ trên địa bàn nông thôn…

* Nhiều rào cản

Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Trần Quốc Tuấn thừa nhận, hiện vẫn còn rất nhiều rào cản để có thể tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn như mong muốn. Và một trong những khó khăn lớn nhất trong hơn 1 năm qua là lãi suất cao. Theo lãnh đạo Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai - đơn vị đứng đầu về dư nợ lĩnh vực này - thì lãi suất áp dụng cho địa bàn này hiện đang dao động từ 19 - 20% là quá cao đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư trang trại… Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Á cũng nhận định, lãi suất đang là vấn đề “đau đầu” với những ngân hàng muốn tăng trưởng dư nợ nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, vốn cho vay nội dung này cũng lấy từ nguồn vốn huy động với lãi suất cao và thiếu ổn định, do đó lãi suất đầu ra cao. Chưa kể, đến hết tháng 7-2011, tăng trưởng tín dụng của Đại Á đã ở mức 18%, chỉ còn 2% (khoảng 100 tỷ đồng) là chạm “ngưỡng” theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát, do đó khó lòng tăng trưởng dư nợ cho nông nghiệp - nông thôn dù rất muốn.

Về phía đối tượng được thụ hưởng - người dân nông thôn gặp những rào cản cũng rất lớn. Tình trạng chung ở nhiều huyện là nông dân muốn vay nhưng không đủ cơ sở giấy tờ thế chấp, chưa được cấp sổ đỏ, trang trại chưa có giấy chứng nhận kinh doanh… Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Trần Văn Khoan nhận xét, hiện tại tín dụng nông nghiệp - nông thôn tại Vĩnh Cửu chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế ở địa phương. Và một trong những rào cản lớn nhất là bản thân nhiều nông dân còn vướng mắc trong khâu chứng minh tài sản, xin giấy chứng nhận kinh doanh cho trang trại hay lập các phương án sản xuất - kinh doanh khả thi. “Vĩnh Cửu có rất nhiều trang trại, nhưng hiện tại chỉ mới vỏn vẹn… 3 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh doanh vì không đáp ứng được các điều kiện, thủ tục để cấp giấy. Vì vậy, đến nay hầu như chưa có trang trại nào tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất” - ông Khoan nêu thực tế.

Điều này cũng là trăn trở của rất nhiều địa phương khi có vẻ như các thủ tục giấy tờ cần thiết để chứng minh mảnh ruộng, mảnh rẫy đó là của mình đang “lệch pha” với tập quán sản xuất của nhiều nông dân.

Vi Lâm


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích