Hiện tại, nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống giống vụ mùa, do đó rất cần lượng phân hóa học lớn để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá phân bón lại liên tục tăng…
Hiện tại, nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống giống vụ mùa, do đó rất cần lượng phân hóa học lớn để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá phân bón lại liên tục tăng…
Chỉ chưa đầy một tháng, giá phân bón tăng gần 2 ngàn đồng/kg. Để giảm bớt chi phí, nhiều hộ nông dân đã giảm bớt lượng phân bón, dù biết chắc sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
* Chi phí đầu vào tăng
Toàn tỉnh có trên 300 ngàn hécta cây trồng các loại. Tháng 9 là thời điểm nông dân xuống giống vụ mùa và chăm sóc loại cây trồng dài ngày nên cần lượng phân bón hóa học rất lớn. Song giá phân bón tăng cao, đồng nghĩa với chi phí đầu vào sẽ bị đội thêm và như vậy, lợi nhuận trong vụ mùa và vụ tới của cây dài ngày sẽ giảm.
Bón phân hữu cơ cho cây bưởi ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) giảm được chi phí đầu vào. Ảnh: H. Giang
Lâu nay, do thói quen nên đa số nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ sử dụng phân hóa học để bón cho các loại cây trồng. Từ đó, nông dân như ngồi trên lửa bởi chi phí đầu vào đã đội thêm từ 1 - 3 triệu đồng/hécta/vụ cây ngắn ngày; 5 - 6 triệu đồng/hécta/năm cây dài ngày. Trong khi đó, chẳng ai biết giá nông sản trong thời gian tới tăng hay giảm. Ông Lại Văn Thu, ngụ ấp 2, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Vụ hè-thu vừa qua, phân ure chỉ khoảng 9.600 đồng/kg. Nhưng đến vụ mùa, đã tăng lên 13 ngàn đồng/kg, phân kali, NPK cũng tăng trên 2 ngàn đồng/kg. Riêng tiền phân bón cho cây lúa vụ mùa bình quân đội thêm khoảng 1 triệu đồng/hécta. Chưa kể giá một số vật tư đầu vào cũng tăng nhẹ. Vì vậy, nông dân tụi tôi chỉ mong muốn đến kỳ thu hoạch, giá lúa sẽ tăng tương xứng để người sản xuất khỏi bị lỗ”.
Ông Trần Đức Phán ở ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) nói: “Gia đình tôi trồng khoảng 1 hécta rau ăn lá, mỗi lứa dùng hơn 500kg phân hóa học các loại. Giá phân bón tăng như hiện nay, mỗi lứa rau tôi mất thêm khoảng 1 triệu đồng/hécta so với đầu tháng 8-2011”. Không chỉ với lúa, rau mà ngay cả cây bắp vụ mùa, tiền phân bón cũng đội thêm từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/hécta so với vụ hè thu vừa qua. Cây trồng dài ngày như tiêu, cà phê, cây ăn trái thì cần lượng phân hóa học nhiều hơn nên chi phí đầu vào tăng thêm từ 5-6 triệu đồng/hécta…
* Giải pháp nào có lợi?
Đứng trước tình cảnh giá phân bón hóa học liên tục leo thang, nhiều nông dân đã chọn giải pháp giảm lượng phân bón cho cây trồng. Thế nhưng, theo các kỹ sư nông nghiệp, việc giảm lượng phân bón hóa học quá lớn và không được bù vào bằng phân hữu cơ, sẽ khiến năng suất cây trồng giảm mạnh. Thực ra, nông dân không phải lo lắng, một khi việc sản xuất được áp dụng theo quy trình: bón đủ, bón đúng lượng phân hóa học và tăng cường lượng phân hữu cơ thì năng suất cây trồng sẽ đạt yêu cầu. Ông Phan Văn Hồng, Trưởng phòng kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai khẳng định: “Để hạ chi phí đầu vào trong trồng trọt, nông dân nên tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp như: rơm, rạ, thân bắp, lõi trái bắp, vỏ trái cà phê, lá cây xanh, cỏ, phân trâu bò, heo gà… ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng để giảm phân hóa học. Từ đó sẽ tiết kiệm được 4-5 triệu đồng tiền phân bón/hécta/vụ với cây trồng ngắn ngày và 8-10 triệu đồng/hécta/năm cây trồng lâu năm. Ngoài ra, từ cách làm này sẽ giúp cho đất đai được cải thiện, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân bớt được khoản tiền mua thuốc trừ sâu và công phun xịt”.
Phân hóa học tại Công ty Vật tư Nông nghiệp Đồng Nai (KCN Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa). Ảnh: H.G
Bên cạnh việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, sẽ hạ được chi phí đầu vào và năng suất có thể tăng. Cụ thể trên cây lúa, nếu áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm). Riêng cây bắp, sử dụng giống mới năng suất cao có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Còn trên các cây trồng khác thì thực hiện theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đồng thời, từng bước đưa máy móc nông nghiệp vào thay sức người, vừa đảm bảo chất lượng nông sản, giảm công lao động và thất thoát nông sản trong và sau thu hoạch. Nếu nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để đẩy năng suất lúa, bắp, rau màu, tiêu… tăng thêm 1-4 tấn/hécta/vụ như một số nông dân trong tỉnh đã làm thì giá phân bón tăng cao như hiện nay nông dân vẫn có lời.
Hương Giang