Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều cơ hội cho xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ-Latinh

10:09, 07/09/2011

Châu Mỹ-Latinh với tổng cộng 33 quốc gia đang được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn, song kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang thị trường này hiện vẫn khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Duy Khiên
Ông Nguyễn Duy Khiên
Châu Mỹ-Latinh với tổng cộng 33 quốc gia đang được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn, song kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang thị trường này hiện vẫn khá khiêm tốn. Vì vậy, Việt Nam có định hướng sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại châu lục này. Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về thị trường xuất khẩu tiềm năng này.

* PV: Đánh giá của ông về thị trường châu Mỹ-Latinh? Và những mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam có lợi thế ở đây?

- Ông Nguyễn Duy Khiên: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường châu Mỹ-Latinh trong mấy năm qua liên tục tăng trưởng. Cụ thể, trong năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ-Latinh đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng hơn 46% so với năm 2009. Tuy nhiên, so với tiềm năng của Mỹ-Latinh thì con số trên vẫn còn khiêm tốn. Hiện tại, hàng xuất khẩu đến khu vực này chủ yếu là giày dép, may mặc, gạo, thủy sản, hàng điện tử… Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch lớn như giày dép, may mặc… chủ yếu được xuất khẩu thông qua các công ty đa quốc gia như Nike, Adidas… nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của họ. Quan hệ trực tiếp giữa các DN Việt Nam và đối tác ở châu Mỹ-Latinh còn ít.

Ba mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Mỹ-Latinh hiện tại là giày dép, gạo và dệt may, trong đó giày dép chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tôi cho rằng đây vẫn là những mặt hàng chiến lược trong những năm tới do nhu cầu tăng đều hàng năm, đặc biệt là ở các nước như Mexico, Brazil, Chile, Argentina… Kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam cũng đạt trên 200 triệu USD, chủ yếu vào Cuba. Một số thị trường khác tại Nam Mỹ cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo, là một lợi thế cho DN trong nước. Tiếp đến là các mặt hàng như: may mặc, thủy sản với kim ngạch tuy còn ít nhưng tăng trưởng đều hàng năm.

* So với các thị trường khác thì châu Mỹ-Latinh có những thuận lợi và khó khăn gì cho DN khi muốn tiếp cận, thưa ông?

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty cổ phần cao su màu. Ảnh: K.GiớI
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty cổ phần cao su màu. Ảnh: K.GiớI

- Thuận lợi đầu tiên ở chỗ là thị trường lớn và đa dạng. Bên cạnh đó,  thị trường này có viễn cảnh phát triển tốt trong những năm tới khi chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia trong khu vực được xây dựng khá bài bản theo hướng ổn định. Trong đó, các nước lớn như: Brazil, Chile, Mexico, Argentina, Colombia… chiếm hơn 80% GDP khu vực đã thực thi khá nhiều biện pháp mạnh mẽ kích cầu nội địa. Ngoài ra, thị trường này không quá “khó tính” như các thị trường Nhật hoặc châu Âu, do đó hàng hóa dễ tiếp cận hơn.

Tuy nhiên, các thách thức mà thị trường này đặt ra cho DN Việt Nam cũng khá nhiều. Cụ thể, sự cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa của các nước khác; cách trở địa lý khiến chi phí vận tải cao; DN 2 bên chưa hiểu và chưa có nhiều thông tin về nhau… Về mặt chủ quan, DN Việt Nam còn khá yếu trong phát triển sản phẩm, chưa có thương hiệu riêng và xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào gia công. Ngoài ra, tại một số thị trường giàu tiềm tăng, Thương vụ mới được thành lập hoặc chưa có, do đó chưa hỗ trợ được nhiều cho DN trong việc tìm hiểu thị trường - đối tác.

* Vậy DN cần chú ý những gì khi có ý định xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này?

-  Mục tiêu dài hạn đặt ra là hàng hóa Việt Nam có mặt ở khắp thị trường Mỹ-Latinh, đưa thêm nhiều mặt hàng mới vào thị trường này. Tuy được xác định là thị trường tiềm năng lâu dài cho xuất khẩu Việt Nam, song do nguồn lực còn hạn chế nên hiện tại nhà nước vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho DN khi tham gia thị trường. Sắp tới chúng tôi sẽ có một số biện pháp đẩy mạnh hỗ trợ DN xuất khẩu sang thị trường này. Còn hiện tại, DN khi có ý định tiếp cận thị trường này theo tôi, nên chú ý một số vấn đề sau: nghiên cứu và chọn phân khúc thị trường phù hợp; tìm đối tác dễ tiếp cận; tìm hiểu các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa khi muốn xuất khẩu hàng đến một quốc gia nào đó cũng như các hiệp định hay ưu đãi về thuế quan; tham gia và tìm hiểu thông tin thông qua các hội chợ quốc tế uy tín…

* Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm (thực hiện)


 

 

 

Tin xem nhiều