Đồng Nai hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lên đến trên 10 triệu con, nên một khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại sẽ rất lớn. Để phòng bệnh, hiện nhiều trang trại đang áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn…
Đồng Nai hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lên đến trên 10 triệu con, nên một khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại sẽ rất lớn. Để phòng bệnh, hiện nhiều trang trại đang áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn…
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 trang trại chăn nuôi heo, gần 500 trang trại nuôi gà và là tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi tập trung. Năm 2010, địa bàn tỉnh xảy ra dịch heo tai xanh gây thiệt hại khá lớn. Song đa số dịch bệnh chỉ xuất hiện trên đàn heo chăn nuôi nhỏ lẻ, còn tại các trang trại lớn, nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn đã phòng ngừa hiệu quả.
* Thuận lợi trong chăn nuôi an toàn
Toàn tỉnh hiện có 60 trang trại chăn nuôi heo, gà được Cục Thú y cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB). Các trang trại đã thực hiện ATDB trong năm 2011, đa số là nuôi gà giống, gà đẻ trứng thương phẩm và nuôi heo nái. Nếu khu vực chăn nuôi nào có giấy chứng nhận ATDB thì sản phẩm của nơi đó sẽ thuận lợi, dễ dàng mua bán và tiết kiệm được thời gian làm thủ tục kiểm dịch. Trong khi đó, đối với những nơi chưa được cấp chứng nhận, muốn vận chuyển con giống, trứng phải qua công đoạn trình giấy tờ tiêm phòng những bệnh bắt buộc, sau đó đợi cơ quan thú y kiểm tra đạt yêu cầu mới được tiếp tục vận chuyển hoặc mua bán.
Trại gà của anh Đức, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Anh Đoàn Huy Châu, chủ trại gà ấp Ngọc Lâm 1, xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) cho biết: “Có được giấy chứng nhận ATDB, việc vận chuyển trứng gà diễn ra khá nhanh, vì thủ tục kiểm dịch thú y trở nên đơn giản hơn nhiều. Trước đây, khi trong vùng xảy ra dịch, thì trong phạm vi 3km2 không được vận chuyển, buôn bán gia súc gia cầm. Còn nay, một khi có giấy ATDB thì không còn tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nữa”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ trại gà đẻ trứng ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) nói: “Thời gian trước, mỗi lần vận chuyển trứng gà về TP. Hồ Chí Minh, các trạm kiểm dịch kiểm tra rất gắt gao. Bây giờ, nhờ có giấy “thông hành” ATDB nên hành trình đi bán trứng gà được rút ngắn. Mặt khác, các đại lý mua trứng gà, biết trang trại của tôi đã được cấp giấy chứng nhận ATDB, họ yên tâm đặt hàng dài hạn!”.
* Giảm nỗi lo dịch bệnh
Theo quy định trước đây, các trang trại đủ yêu cầu muốn được cấp chứng nhận ATDB phải mất khoảng 1 - 2 tháng. Giấy này chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng thì phải lấy mẫu kiểm tra lại, nếu đạt mới tiếp tục cấp gia hạn. Việc xin cấp mới và cấp lại mất nhiều thời gian nên không ít trại chăn nuôi dù đã đảm bảo các quy trình về ATDB cũng không mấy mặn mà thực hiện. Thế nhưng gần đây, việc xin cấp chứng nhận ATDB khá đơn giản, nhanh chóng. Ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai nhấn mạnh: “Các trang trại chăn nuôi muốn được cấp chứng nhận ATDB, chỉ cần đăng ký với Chi cục Thú y. Sau đó sẽ có người xuống kiểm tra và lấy mẫu, nếu đảm bảo các quy trình ATDB sẽ tiến hành xét nghiệm và trong vòng 2 tuần, người chăn nuôi sẽ được cấp giấy chứng nhận. Lợi thế của giấy ATDB ở chỗ, thực hiện quy trình an toàn thì trang trại sẽ hạn chế được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…”.
Đáng lưu ý là từ nay đến cuối năm, thời tiết khá thuận lợi, nên dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên đàn heo, gà khá cao và người chăn nuôi dễ rơi vào cảnh trắng tay.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay cả nước có 21 tỉnh bị cúm gia cầm, 35 tỉnh bị dịch lở mồm long móng, 9 tỉnh có dịch heo tai xanh. Số gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy khoảng 120 ngàn con và gia súc 53 ngàn con. Trong thời gian tới, khả năng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao vì virus gia cầm đã biến đổi chưa có vaccine phòng bệnh phù hợp. Bên cạnh đó, virus lở mồm long móng, tai xanh vẫn lưu hành rộng rãi trong các đàn gia súc đã khỏi bệnh lâm sàng. Đồng Nai là tỉnh có đường quốc lộ đi qua khá dài nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Vì vậy, áp dụng quy trình chăn nuôi ATDB sẽ hạn chế nguy cơ bùng phát dịch. K.M |
Hương Giang