Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ truyền thống: Hàng Việt vẫn chưa nhiều

08:10, 19/10/2011

Có mặt trong nhiều siêu thị và trung tâm thương mại lớn, nhưng hàng tiêu dùng “thuần Việt” ở các chợ truyền thống vẫn chưa nhiều như mong đợi...

Có mặt trong nhiều siêu thị và trung tâm thương mại lớn, nhưng hàng tiêu dùng “thuần Việt” ở các chợ truyền thống vẫn chưa nhiều như mong đợi...

Hiện tại, nhiều thương hiệu hàng Việt Nam đã có chỗ đứng tại các chợ truyền thống với những tên tuổi quen thuộc như Vinamilk, Vinacafe, Trung Nguyên, Kinh Đô, Vissan…

 * “Lép vế”... chỗ ngồi

Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do, “mặt tiền” của những gian hàng tại chợ truyền thống lâu nay vẫn là “đất riêng” của nhãn hàng nước ngoài. Từ đó, hàng Việt chưa giành được những vị trí trọng tâm, để dễ dàng gây chú ý cho người tiêu dùng.

Tại cửa hàng giày dép ở chợ Tân Hiệp - chủ yếu là hàng nhập giá rẻ. Ảnh: V.LÂM
Tại cửa hàng giày dép ở chợ Tân Hiệp - chủ yếu là hàng nhập giá rẻ. Ảnh: V.LÂM

 Về nguyên nhân, một tiểu thương bán hàng tạp phẩm lâu năm tại chợ Biên Hòa lý giải, nhiều mặt hàng gồm: sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, thực phẩm... của các công ty đa quốc gia như Unilever, P&G, Nest’le, Abbott… được trưng bày ở nơi dễ lựa chọn, là do doanh nghiệp có chính sách trả phí trưng bày cho người bán rất rõ ràng và lâu dài, bên cạnh những hoạt động khuyến mãi, chiết khấu khác. Chẳng hạn, chưa tính đến doanh số bán hàng, chỉ cần đem hàng đặt đúng số lượng, vị trí, tiểu thương được trả từ 300 - 500 ngàn đồng/tháng cho riêng nhãn hàng đó. Về khía cạnh này, một số công ty Việt Nam cũng bắt đầu chú ý và đang tiến hành thực hiện. Song nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng chưa đồng đều, đôi khi bị ngắt quãng. Vì vậy, ở chợ truyền thống, tại những điểm đẹp mắt nhất trong các gian hàng tạp phẩm, hàng Việt chưa giành được “chỗ ngồi” tốt.

* Làm sao khắc phục thế yếu?

Ngoài chợ Biên Hòa, tại các chợ truyền thống khác ở TP.Biên Hòa như: Tân Hiệp, Tân Mai, Tân Phong... thì ngành hàng “thuần Việt” có mặt nhiều nhất là thực phẩm. Nhờ doanh nghiệp (DN) biết khai thác thế mạnh đặc trưng: am hiểu khẩu vị người Việt, nguyên liệu dồi dào tươi ngon, tâm lý sính ngoại không nhiều như ở các nhóm hàng khác... nên loại hàng này được trưng bày trên các kệ. Tuy nhiên, ở ngành hàng khác, hàng Việt vẫn rất yếu thế. Cụ thể là hóa mỹ phẩm và thời trang - may mặc.

Ở nhóm hàng may mặc, những thương hiệu lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, Thắng Lợi... rất ít có mặt tại chợ truyền thống mà chỉ phân phối thông qua hệ thống cửa hàng, còn đa số hàng thời trang bình dân vẫn là “đất” của hàng Trung Quốc. Nhiều cơ sở may tư nhân nhỏ lẻ gần đây cũng đã chen chân vào chợ, nhờ ưu thế giá rẻ. Song, sự xuất hiện manh mún này chưa tạo được ấn tượng về chất lượng hay tên tuổi nhà sản xuất. Hàng hóa mỹ phẩm còn ít có thương hiệu Việt hơn, bởi tâm lý sính ngoại đè nặng. Mặt khác, không ít công ty hóa mỹ phẩm đa quốc gia đang tích cực đẩy mạnh các dòng sản phẩm giá bình dân đến người tiêu dùng với sự đảm bảo về chất lượng và công tác quảng bá chuyên nghiệp.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F, phân tích: “Doanh nghiệp nào cũng mong muốn sản phẩm của mình có mặt nhiều ở chợ truyền thống, vì đây vẫn là kênh phân phối hàng hóa lớn. Song, nguyên nhân khiến hàng của DN Việt Nam yếu thế, cơ bản vì khi đưa hàng ra thị trường thường thông qua đại lý. Ngoài ra, các yếu tố khác như chăm sóc tiểu thương, theo dõi bán hàng, quảng bá hàng hóa... chưa chuyên nghiệp, dẫn đến lượng hàng vào chợ chưa cao...”. Tuy nhiên, ông Phương cho biết, sắp tới D&F cũng sẽ nỗ lực để đẩy mạnh thương hiệu của mình ở chợ truyền thống, bằng cách phát triển các dòng sản phẩm mới như đồ hộp, hàng đông lạnh.

 

Gian hàng tạp phẩm tại chợ Hãng Dầu (Biên Hòa) trưng bày sản phẩm của các công ty đa quốc gia.
Gian hàng tạp phẩm tại chợ Hãng Dầu (Biên Hòa) trưng bày sản phẩm của các công ty đa quốc gia.

Chưa coi trọng quảng bá hàng Việt ở chợ

Lãnh đạo một số ban quản lý chợ tại Đồng Nai đều có chung nhận xét, DN Việt Nam chưa thực sự chú trọng công tác quảng bá hàng Việt ở chợ. Thỉnh thoảng, vài DN cũng tổ chức giới thiệu mặt hàng Việt mới tại chợ truyền thống ở đô thị, song cách làm còn đơn điệu và nhỏ lẻ. Thực tế, muốn tạo hiệu ứng mạnh và kích thích tiểu thương bán nhiều hàng Việt thì việc quảng bá cần thực hiện thành “vệt” với các chủ đề và thời điểm thích hợp. Trong khi đó, các công ty nước ngoài thường tổ chức quảng bá hàng hóa tại chợ truyền thống, kết hợp với hoạt động hỗ trợ bán hàng cho tiểu thương như nước mắm Knorr, bột giặt Viso, kem đánh răng P/S, hạt nêm Ajingon... Mỗi khi tung ra mặt hàng mới tại chợ truyền thống, sự có mặt thường xuyên để cung cấp thông tin kịp thời về sản phẩm đã khiến hàng hóa của những công ty này được tiểu thương nhiệt tình giới thiệu đến người tiêu dùng, đó là cách làm hiệu quả.

 

 

 

 

Vi Lâm


 

 

 

Tin xem nhiều