Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngân hàng nhỏ: Khó khăn trong hoạt động

09:10, 14/10/2011

Sau những biện pháp cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm lập lại trật tự lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ đang gặp không ít khó khăn trong giao dịch…

Sau những biện pháp cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm lập lại trật tự lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ đang gặp không ít khó khăn trong giao dịch…

Rất khó thu hút khách gửi tiền lần đầu, thậm chí khách cũ muốn giữ lại cũng không dễ dàng, trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn cao. Đây là tâm trạng chung của hầu hết lãnh đạo ngân hàng nhỏ (NHN).

 * Lợi thế sụt giảm

Thông tư 02 và ngay sau đó là Thông tư 30 của NHNN quy định trần lãi suất huy động, được nhiều NHN cho là một “đòn” giáng khá mạnh đối với hoạt động chung của nhóm ngân hàng này. Theo đó, lãi suất huy động VNĐ không được quá 14%/năm đối với kỳ hạn trên 1 tháng và lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa chỉ 6%/năm đang gây áp lực rất lớn cho các NHN khi lợi thế cạnh tranh bị cắt xén.

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa)   Ảnh: VI LÂM
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa) Ảnh: VI LÂM

Cho tới thời điểm này, trần lãi suất vẫn đang được các ngân hàng thực hiện nghiêm ngặt sau vài lần xử lý mạnh tay của NHNN dành cho những ngân hàng bị phát hiện “vượt rào”. Điều này dù muốn hay không cũng khiến các ngân hàng không dám liều lĩnh “đi đêm” hay lách trần như trước. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ có trụ sở nằm trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa (không muốn nêu tên) nhận định, sau khi Thông tư 30 được chấp hành nghiêm và lãi suất huy động trở về 14%/năm thì 50% lượng vốn huy động từ đầu năm đã “chảy” khỏi đơn vị này. “Thứ nhất, cùng lãi suất 14%/năm, nhiều khách hàng sẽ chọn gửi tiền ở ngân hàng lớn. Thứ hai, nhiều người đang muốn chuyển tiền tiết kiệm sang mua vàng và USD vì cho rằng gửi tiền không có lãi”, giám đốc này nói.

Tương tự, giám đốc một chi nhánh ngân hàng khác cũng cho biết, ít nhất khoảng 20% vốn huy động đã được rút ra khỏi chi nhánh kể từ khi Thông tư 30 có hiệu lực. Vị giám đốc thẳng thắn đánh giá: “Phải thừa nhận, lãi suất cao gần như là lợi thế duy nhất của khối NHN trong vấn đề giữ khách cũ, thu hút khách mới. Tuy nhiên, thời điểm này lợi thế đó hoàn toàn bị mất. Sau Thông tư 30, NHN không thể lách trần bằng cách trả lãi cao cho các khoản huy động tính theo ngày nữa…”.

* Lợi nhuận bấp bênh

Trong khi các NHN chạy đôn chạy đáo sợ lo hụt vốn thì lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng thương mại lớn cho biết, huy động vốn trong dân tăng khá mạnh từ sau Thông tư 30. Thực tế, do những lợi thế về quy mô, thương hiệu của nhóm ngân hàng này vượt hơn hẳn so với NHN.

Lãnh đạo nhiều chi nhánh NHN tại Đồng Nai cho rằng, trước những bất lợi trong hoạt động, có lẽ họ phải đề nghị xem xét lại các chỉ tiêu về huy động vốn, tín dụng lẫn chỉ tiêu lợi nhuận để có thể tháo gỡ tình hình khó khăn chung. Bởi hiện tại, việc huy động vốn - điều mà NHN nào cũng “khát khao” đẩy mạnh thì tăng trưởng tín dụng lại càng “bi đát” hơn. Tại Đồng Nai, một số ngân hàng lớn với lãi suất ưu đãi không còn “đất” để tăng tín dụng thì đa số NHN vẫn còn nhiều chỉ tiêu cho vay. Tuy nhiên, tìm kiếm khách hàng lại không dễ dàng. Hiện tại, lãi vay cho sản xuất - kinh doanh ở nhóm NHN vẫn ở mức 20 - 21%/năm. Với khoản lãi này, nhiều khách hàng đã “chạy” sang các ngân hàng lớn vì lãi vay ở đây đã giảm còn 17 - 19%/năm.

Khó khăn cả về huy động lẫn tăng trưởng tín dụng nên lo lắng về lợi nhuận là điều dễ hiểu đối với nhiều chi nhánh NHN. Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại phường Tân Mai (TP. Biên Hòa) cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận giao cho chi nhánh thực hiện năm nay rất khó đạt, nguyên nhân là do các khó khăn phát sinh trong thời gian gần đây. Cụ thể, ít nhất 50% lợi nhuận của chi nhánh đến từ cho vay, vì vậy, khi không tăng trưởng được tín dụng thì hiển nhiên kế hoạch không hoàn thành.

Vi Lâm


 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích