Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo của doanh nghiệp vừa và nhỏ

08:10, 16/10/2011

Trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong tỉnh tăng khá nhanh. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ phát triển đó thì chất lượng hoạt động của khối DN này còn nhiều hạn chế...

Trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong tỉnh tăng khá nhanh. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ phát triển đó thì chất lượng hoạt động của khối DN này còn nhiều hạn chế...

 Trên thực tế, rất nhiều cơ sở sản xuất của tư nhân đều không muốn lên DN. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, các đối tác khi muốn ký hợp đồng giao dịch ở mọi lĩnh vực, thường tìm đến các DNVVN, bởi uy tín của những nơi này dễ được tin cậy hơn.

 * “Bị”… lên doanh nghiệp

Tiền thân của Công ty TNHH một thành viên  Long Vương (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) là cơ sở sản xuất và bảo trì động cơ điện. Năm 2008, khi làm ăn với nhiều đối tác, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp trong tổ chức cũng như giao dịch, nên Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh buộc lòng phải “nâng cấp” cơ sở lên DN. Bởi, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu, nếu không, ngay việc xuất hóa đơn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Anh cho biết, một số DN nước ngoài trước khi ký hợp đồng giao dịch, còn đến tận nơi để kiểm tra tính pháp lý trong hoạt động của công ty. Công ty Long Vương hiện nhận bảo trì và cung cấp động cơ điện cho gần 20 DN sản xuất, trong đó 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều DN gốm ở Đồng Nai xuất thân từ cơ sở sản xuất gia đình. Trong ảnh: Công nhân gốm của DNTN Tấn Phát (phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa). Ảnh: V.NAM
Nhiều DN gốm ở Đồng Nai xuất thân từ cơ sở sản xuất gia đình. Trong ảnh: Công nhân gốm của DNTN Tấn Phát (phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa). Ảnh: V.NAM

Tương tự, Công ty TNHH Minh Hạnh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) từ một cơ sở chuyên may gia công, nay cũng trở thành DN. Chị Đỗ Thị Hạnh, Giám đốc công ty cho hay, việc thành lập DN là thế bắt buộc. “Làm ăn bây giờ không còn đơn giản như 5 năm về trước, mình không lên DN thì rất khó tìm chỗ đứng. Vì nếu mãi hoạt động ở góc độ cơ sở sản xuất, sẽ khó ký được hợp đồng. Ngay cả việc tuyển dụng lao động, công nhân thích làm việc cho các công ty hơn. Đáng kể là nhiều chủ cơ sở sản xuất, khi tự “thăng chức” giám đốc DN đã  không khỏi bỡ ngỡ, bối rối. Mặc dù chiếc “ghế” giám đốc hay chủ cơ sở tư nhân chẳng khác gì nhau, nhưng khi điều hành hoạt động theo Luật DN thì mọi chứng từ, sổ sách phải rạch ròi, chính xác hơn. Trước tình thế không thể làm việc theo cảm tính hoặc kinh nghiệm nên nhiều giám đốc phải đi học lớp quản lý DN, trong đó có tôi…” - chị Hạnh tâm sự.

 * Làm sao khắc phục hạn chế?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có gần 12 ngàn DNVVN, trong đó lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm 48%. DNVVN tập trung nhiều ở TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất. Theo đánh giá của các nhà quản lý, thì số lượng giám đốc có trình độ chuyên môn cao khá hiếm vì chủ DN ở khối này chưa được đào tạo bài bản về quản lý và kinh doanh. Từ đó, lãnh đạo DNVVN điều hành hoạt động cơ bản dựa vào kinh nghiệm nên thiếu tầm nhìn chiến lược, tính chủ động không có. Vì vậy, khi DN mở rộng sản xuất, thì khả năng quản lý nhân sự cũng như tài chính gặp không ít khó khăn; kết quả sản xuất và hiệu suất lao động đạt thấp, chi phí và giá thành sản phẩm đội cao. “Có nhiều DN khi còn là cơ sở sản xuất hoạt động rất tốt, đến lúc lên DN đầu tư mở rộng lại loay hoay, rơi vào bế tắc, làm ăn ì ạch” - một cán bộ Sở Công thương nhận xét. 

Công nhân Công ty Long Vương đang sửa chữa động cơ điện.
Công nhân Công ty Long Vương đang sửa chữa động cơ điện.

Một điểm yếu nữa của DNVVN là vốn ít. Chính vì năng lực tài chính yếu nên quá trình đầu tư công nghệ cho sản xuất thường là máy cũ, dẫn đến sản phẩm làm ra chất lượng không cao, khó cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Công ty chế biến gỗ Đức Thịnh (Trảng Bom) trăn trở cho biết, nhiều sản phẩm của Đức Thịnh không thể so sánh với hàng Trung Quốc vì máy móc ở đây đã lạc hậu. Theo ông Hoan, chủ DNVVN đều biết, muốn sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng thì không thể dựa vào những loại máy “cổ”, song vướng ở chỗ, là “con nhà nghèo”, vốn ít nên DNVVN đành phải bấm bụng làm theo cách “lựa cơm gắp mắm”.

Trao đổi về khả năng phát triển trong thời gian tới, nhiều giám đốc cho rằng, hoạt động của khối DNVVN thời gian qua có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất, chính sách thuế… của Nhà nước hỗ trợ đối tượng này chưa nhiều nên chưa tạo được sức bật cho DNVVN phát triển mạnh hơn.

 Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều