Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý rác sinh hoạt: Không dễ!

09:10, 14/10/2011

Rác sinh hoạt (RSH) trong những năm gần đây gia tăng nhanh chóng, nhất là tại các đô thị. Tình trạng này đang tạo áp lực không nhỏ cho các nhà quản lý môi trường. Lựa chọn công nghệ xử lý nào cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm...

Rác sinh hoạt (RSH) trong những năm gần đây gia tăng nhanh chóng, nhất là tại các đô thị. Tình trạng này đang tạo áp lực không nhỏ cho các nhà quản lý môi trường. Lựa chọn công nghệ xử lý nào cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm...

Tại hội thảo khoa học về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong môi trường được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường - TNMT) tổ chức mới đây tại Biên Hòa, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng lo ngại, nếu không có hướng xử lý phù hợp thì chẳng bao lâu nữa, RSH sẽ là “gánh nặng” đối với cuộc sống xã hội.

Xử lý rác sinh hoạt lâu nay là bài toán khó.
Xử lý rác sinh hoạt lâu nay là bài toán khó.

Đánh giá về công nghệ xử lý rác hiện nay tại nhiều địa phương, giáo sư tiến sĩ Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững thuộc đại học quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho thấy, bãi rác và cách chôn lấp rác sẽ để lại tồn dư và cũng là “kho chứa” khổng lồ của các loại chất ô nhiễm khác nhau. Trong đó có những hợp chất hữu cơ rất khó phân hủy…”. Cùng quan điểm về việc bãi chôn lấp rác truyền thống gây nguy hại môi trường, tiến sĩ Trần Thế Loãn, Cục phó Cục kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và  môi trường) cho rằng, rất nhiều thành phố lớn như Biên Hòa đang đau đầu với giải pháp xử lý chất thải sinh hoạt. Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc chôn lấp RSH hiện nay không những mất rất nhiều diện tích đất, gây hệ lụy ở địa phương mà còn ẩn chứa những tác hại cho môi trường về sau. Khoảng 10 năm trở lại đây, Chính phủ có quy định hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tiếp cận với nhiều nguồn đầu tư và kỹ thuật hiện đại của thế giới trong việc tìm kiếm các giải pháp xử lý chất thải đô thị. Đây chính là hướng đi phù hợp, rất có lợi trong việc bảo vệ môi trường bền vững.

Từ những vướng mắc còn tồn tại trong xử lý rác nói chung và RSH nói riêng trên cả nước, Bộ TNMT đang xây dựng kế hoạch định hướng lâu dài cho các địa phương xử lý RSH bằng công nghệ lò đốt từ nguồn điện để thay cho phương pháp chôn lấp. Đây là giải pháp khá hữu hiệu mà các nước tiên tiến đã áp dụng lâu nay. Theo Bộ TNMT, nếu thực hiện đúng quy trình công nghệ, vừa tiết kiệm được mặt bằng và không tạo những hiệu ứng tiêu cực đối với môi trường cuộc sống...

Với dân số hơn 2,7 triệu người (đứng thứ 5 cả nước), Đồng Nai đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm biện pháp xử lý RSH. Chỉ tính riêng tại TP. Biên Hòa, hiện mỗi ngày có khoảng 500 tấn RSH thải ra môi trường. Số lượng này được chôn lấp tại bãi rác phường Trảng Dài khoảng 300 tấn, phần còn lại giao cho Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh để xử lý theo công nghệ Na-nô sản xuất lấy phân Compost. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với việc xử lý RSH trong thời gian qua ở khu vực phường Trảng Dài đã để lại không ít hậu quả cho người dân. Đặc biệt vào mùa mưa, mùi hôi thối cùng nguồn nước rò rỉ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tại khu dân cư ở chung quanh bãi rác tập trung.

 Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ RSH, những năm qua tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại các địa điểm tập trung rác. Hiện nay, ngoài khu xử lý chất thải rộng 50 hécta tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang được triển khai, thì khu xử lý chất thải Quang Trung (huyện Thống Nhất) của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi đã đưa vào sử dụng từ tháng 7-2011. Công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu đến năm 2015 thu gom và xử lý 100% RSH ở đô thị và chất thải rắn công nghiệp. Ngoài ra, thu gom 100% và xử lý trên 80% chất thải nguy hại.

T. Nguyên

 

 

Tin xem nhiều