Thời gian qua, Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời gian qua, Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Để mở rộng diện tích vùng chuyên canh, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng 17 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi (trong đó đã có 3 thương hiệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP) tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, có thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Bắt đầu từ năm 2006, Đồng Nai đã thực hiện Chương trình phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu và đã đạt được kết quả nền cho phát triển. Trong 5 năm qua, Chương trình đã góp phần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây trồng chủ lực như: bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); xoài Xuân Hưng, Suối Cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc)… Các cây trồng chủ lực đã phát triển cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như: điều Donafoods, sầu riêng Dona, xoài Suối Lớn. Một số cây trồng chủ lực đã đạt diện tích thâm canh cao như: cây xoài thâm canh được 73,9 hécta (đạt 107,8%); sầu riêng thâm canh được 155,2 hécta (đạt 122,5%)…
Bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu), sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Ảnh: T.L
Đối với vật nuôi, tổng đàn heo luôn duy trì ở mức 1,2 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 60%; đàn bò khoảng 800 ngàn con; đàn gia cầm khoảng 9 triệu con với 474 trang trại, chiếm 80% tổng đàn. Hiện tại đã có 42 cơ sở gà giống bố mẹ, gà đẻ thương phẩm được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, đến nay tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng, khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung trên địa bàn 8 huyện và TX.Long Khánh. Đồng Nai trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong việc quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung.
Cùng với việc hình thành vùng nguyên liệu, việc xây dựng thương hiệu đã dễ dàng hơn. 5 năm qua, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tham gia thị trường xuất khẩu có uy tín như: điều Donafoods, xoài Suối Lớn, sầu riêng Dona… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) là bưởi Tân Triều, xoài Suối Lớn, rau Trảng Dài. Ngoài ra, Sở Khoa học và công nghệ đã triển khai và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 16 tổ chức, cá nhân, trong đó có 14 đơn vị sản xuất - kinh doanh trái cây, nấm, rau và 2 đơn vị chăn nuôi heo.
Tuy nhiên, theo ông Đạo, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh đã nhận thấy, Chương trình còn bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế như: diện tích trồng mới cây chủ lực còn đạt thấp (bưởi đạt 2,58%; sầu riêng đạt 6,93%; cà phê 17,65%...); chưa có nhiều mô hình liên kết giữa “4 nhà” đạt hiệu quả cao; khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế; việc triển khai quy hoạch vùng khuyến khích chăn nuôi và giết mổ tập trung còn chậm, nhất là việc xây dựng và phát triển hạ tầng chưa đồng bộ…
* Xây dựng 17 thương hiệu cho cây trồng và vật nuôi chủ lực
Để các vùng quy hoạch không ngừng mở rộng diện tích thâm canh cây trồng, vật nuôi chủ lực, ngày 26-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2419 về thực hiện Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Chương trình sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi mới đối với việc phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu nông sản.
Cụ thể, với cây trồng, diện tích trồng mới sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống; 30% kinh phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trong vòng 4 năm kể từ khi trồng. Về diện tích thâm canh, nếu thâm canh trước năm 2011 được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 3 năm tiếp theo của thời kỳ kinh doanh; nếu thâm canh từ năm 2011, hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 4 năm. Dự kiến tổng vốn đầu tư cây trồng chủ lực khoảng gần 970 tỷ đồng.
Đối với vật nuôi, hỗ trợ 30% kinh phí nuôi giữ đàn giống gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở an toàn dịch bệnh với tổng kinh phí dự tính khoảng gần 87 tỷ đồng. Chương trình sẽ hướng nông dân ứng dụng các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt; tăng cường các biện pháp thâm canh, hoàn thiện các quy trình sản xuất theo hướng GAP; thực hiện khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm phù hợp; bảo đảm việc chăn nuôi theo hướng an toàn…
Song song đó, Chương trình sẽ có sự hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng 17 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi (trong đó đã có 3 thương hiệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP)
Các sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gồm: xoài Xuân Hưng (Xuân Lộc); xoài La Ngà (Định Quán); bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); chôm chôm Xuân Định (Xuân Lộc); rau Trảng Dài (Biên Hòa); rau Trường An (Xuân Lộc); rau Gia Tân (Thống Nhất); rau Tân Tiến (Xuân Lộc); sầu riêng (Long Khánh); mãng cầu xiêm (Cẩm Mỹ); chuối Thanh Bình (Trảng Bom); tiêu (Xuân Lộc); tiêu Thanh Bình (Trảng Bom); heo Phú Sơn (Trảng Bom); điều Donafoods (Biên Hòa); cá rô Tân Hạnh (Biên Hòa); Công ty CP súc sản Đồng Nai. Mức hỗ trợ để xây dựng và đăng ký thương hiệu khoảng 50% chi phí, nhưng không quá 80 triệu đồng/cơ sở.
Ông Đạo còn cho biết: Các cơ sở tham gia xây dựng và đăng ký thương hiệu còn được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm. Dự tính tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ 17 đơn vị xây dựng thương hiệu là trên 22 tỷ đồng.
“Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được Đồng Nai xem là một chủ trương lớn gắn liền với các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai “- Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, ông Phạm Minh Đạo nói.
Lê Hiền