Nhiều năm nay, dù nông dân xã Thanh Sơn đã rất nỗ lực tăng gia sản xuất, nhưng, nông sản làm ra lại mất giá vì phải qua cuộc hành trình vất vả mới chuyển được hàng hóa từ trong rẫy sâu ra, rồi qua phà mới đưa được đi nơi khác tiêu thụ.
Nhiều năm nay, dù nông dân xã Thanh Sơn đã rất nỗ lực tăng gia sản xuất, nhưng, nông sản làm ra lại mất giá vì phải qua cuộc hành trình vất vả mới chuyển được hàng hóa từ trong rẫy sâu ra, rồi qua phà mới đưa được đi nơi khác tiêu thụ.
* Ước mơ chưa thành hiện thực
Hiện Thanh Sơn đang vào mùa thu hoạch chuối rộ nên trong ngày, từng tốp người ở các nơi trong huyện Định Quán về đây thu mua. Anh Thiện, ngụ ở xã Gia Tân cùng vài đồng nghiệp đến Thanh Sơn mua chuối cho biết, mỗi ngày anh cùng những người bạn thồ hàng chục quày chuối trên xe gắn máy hai bánh. Đường vận chuyển chuối trong rẫy gần đây đã được sửa chữa, nhưng không phải đã dễ đi. Ra đến bến phà, muốn qua bên kia được nhanh nhất cũng mất 5 phút. Mỗi chuyến đi, người buôn chuối chỉ lời mấy chục ngàn đồng nhưng phải tốn gần 20 ngàn đồng tiền đi phà. Để tăng thu nhập, mỗi ngày anh Thiện cũng như nhiều người khác phải đi về nhiều đợt.
Phà Thanh Sơn hiện nay. |
Người buôn chuối muốn có lời phải cật lực lao động. Còn nông dân làm ra sản phẩm nếu muốn đem hàng hóa đi nơi khác tiêu thụ cũng rất khó vì điều kiện đi lại trắc trở. Cho nên thời gian qua, vùng đất nghèo này không thể phát triển được bởi phương tiện đi lại đều lệ thuộc vào những chiếc phà. Phà đưa khách ở đây hoạt động suốt ngày đêm. Nhưng điều này không có nghĩa đã tạo được thuận lợi xuyên suốt để người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Ngược lại, những toan tính trong đời sống của nông dân vùng đất nghèo Thanh Sơn, dù có muốn “đổi đời” cũng không thể khác được. Mùa nắng đi lại còn đỡ, nhưng mùa mưa, nhất là lúc giông bão, dòng sông trở nên hung hãn hơn khiến mỗi lần cư dân bên này muốn sang bên kia buộc phải chấp nhận hiểm nguy trên chiếc phà nhỏ chông chênh trên vùng nước xoáy.
Cuộc sống của người dân xã Thanh Sơn gần đây tuy đã được cải thiện nhiều, song so với mặt bằng chung của huyện Định Quán thì còn kém xa. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn Phạm Thị Thực cho biết, ước mơ về một cây cầu của người dân xã Thanh Sơn là một thực tế hình thành từ rất lâu. Điều này đã trở thành bức xúc dồn nén chung, nên mỗi lần đại biểu về tiếp xúc cử tri thì đề tài về chiếc cầu qua sông luôn được lập đi lập lại.
* Cầu treo vẫn còn… treo!
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên thể hiện sự trăn trở khi nói về kế hoạch đầu tư cây cầu nối từ bờ bên xã Ngọc Định sang Thanh Sơn. Theo ông Biên, chủ trương xây dựng cầu treo Thanh Sơn đã được UBND tỉnh đồng ý.
Ngày 27-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng và chủ đầu tư để tìm biện pháp tiến hành xây dựng cầu treo Thanh Sơn. Tuy nhiên, các quy định hiện hành lại không có hình thức đầu tư nào khác có thể thay thế cho BOT để Công ty Duy Phát Đạt nhanh chóng thu hồi vốn. Trước tình thế này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh giao cho các sở: Giao thông - vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính phải nhanh chóng tìm hướng đầu tư thích hợp đối với cầu treo Thanh Sơn. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương trong khu vực này, dứt khoát phải có cầu. Đồng thời cũng lưu ý, một khi có cầu rồi thì chính quyền địa phương phải cam kết không để nạn phá rừng xảy ra; đồng thời hạn chế việc di dân tự do từ các nơi khác đến… |
Gần 1 năm trước, tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh với các ngành chức năng, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng cầu treo ở Thanh Sơn là hợp lý nhất, bởi đặc điểm ở khu vực sông này có đá dốc lộ thiên nên việc xây cầu vĩnh cửu, chịu lực cao là không khả thi. Công ty TNHH Duy Phát Đạt (huyện Định Quán), đơn vị chủ đầu tư cũng đã thống nhất thực hiện xây dựng cầu treo với phần chính dài 100m, hai đầu cầu là đường dẫn; trọng tải cầu tối đa 2 tấn và chỉ phục vụ khách bộ hành, xe hai bánh, xe du lịch. Riêng các loại xe 2 tấn trở lên vẫn phải đi phà. Thời điểm đó, kinh phí thực hiện chỉ ở mức 6 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư cam kết thi công trong thời gian nhanh nhất để chiếc cầu hoàn thành trước mùa mưa vừa qua. Nhưng việc xây cầu còn vướng ở chỗ, hình thức đầu tư như thế nào để Công ty Duy Phát Đạt tính được khả năng thu hồi vốn. Ban đầu, kế hoạch triển khai theo hình thức BOT (hợp đồng, kinh doanh, chuyển giao), nhưng điều này gây bất lợi cho đơn vị chủ đầu tư. Vì nếu thực hiện theo hợp đồng BOT thì chỉ thu phí được xe hai bánh gắn máy (2 ngàn đồng/lượt) và xe ô tô dưới 2 tấn, do đó chủ đầu tư phải mất thời gian dài mới có thể hoàn vốn. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, giải pháp tháo gỡ về hình thức đầu tư để Công ty Duy Phát Đạt tiến hành triển khai thi công, vẫn chưa có hướng giải quyết. Hiện tại, mức đầu tư cho chiếc cầu treo Thanh Sơn đã trượt giá lên khoảng 10 tỷ đồng và mơ ước của người dân về cầu treo Thanh Sơn khả năng vẫn sẽ còn… “treo”.
Rõ ràng, trên 30 ngàn người dân Thanh Sơn, trong đó có hơn 2.800 hộ nghèo muốn vươn lên tạo dựng cuộc sống mới, nhưng nếu cứ mãi phải đi phà thì chắc còn lâu kinh tế ở vùng đất này mới phát triển.
T.Nguyên