Sản phẩm của doanh nghiệp (DN) có mặt trên kệ hàng siêu thị với mạng lưới rộng khắp, không chỉ góp phần tăng cao uy tín thương hiệu, mà còn giúp DN phát triển nhanh thị trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) luôn tìm đường đưa hàng vào siêu thị dù đây vẫn là cánh cửa hẹp với họ.
Sản phẩm của doanh nghiệp (DN) có mặt trên kệ hàng siêu thị với mạng lưới rộng khắp, không chỉ góp phần tăng cao uy tín thương hiệu, mà còn giúp DN phát triển nhanh thị trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) luôn tìm đường đưa hàng vào siêu thị dù đây vẫn là cánh cửa hẹp với họ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị Co.opmart Biên Hòa so sánh, vài năm trước siêu thị chỉ có khoảng 20 ngàn mặt hàng, nay con số đã là 30 ngàn, theo đó tỷ lệ nhà cung cấp là DNVVN cũng tăng lên. Hàng do DN Việt sản xuất ngày càng đáp ứng về chất lượng, mẫu mã và giá cả cũng hoàn toàn cạnh tranh được với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia, hàng ngoại.
* Khó cạnh tranh vào siêu thị
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức (Xuân Lộc) cho biết, với việc sản xuất trứng gà sạch theo quy trình công nghệ mới, vài năm trước trang trại đã ký được hợp đồng cung cấp trứng cho một hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Đồng Nai. Nhưng rồi Thanh Đức buộc phải ngưng hợp đồng vì yêu cầu của siêu thị quá nhiều ràng buộc. Mức chiết khấu của siêu thị khá cao nên đơn vị sản xuất khó có lãi. Hàng đưa vào siêu thị thường 1-2 tháng mới được thanh toán, thị trường biến động nhiều, giá trứng có tuần tăng 3 lần nhưng chờ siêu thị điều chỉnh giá thường mất cả tháng, vốn đọng, lợi nhuận thấp nên đơn vị sản xuất nhỏ khó cầm cự.
Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng qua kênh siêu thị ngày càng tăng. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Biên Hòa. |
Hiện tại, trứng gà Thanh Đức đang cung cấp cho siêu thị Co.opmart, Vinatex… chiếm khoảng 10% lượng hàng trang trại cung cấp ra thị trường. Việc quay trở lại làm nhà cung cấp cho siêu thị của trứng gà Thanh Đức là nhờ sự hỗ trợ của chương trình bình ổn giá do Đồng Nai thực hiện. Chương trình này đã tháo gỡ những khó khăn của đơn vị: hàng vào siêu thị nhanh được thanh toán, mức chiết khấu thấp hơn và đơn vị được hỗ trợ vốn nên chủ động trong vấn đề giữ giá trứng ổn định.
Bà Khanh thừa nhận, diện tích siêu thị có hạn, chỉ một chủng loại hàng siêu thị có quá nhiều nhà cung cấp để lựa chọn nên thường ưu tiên những đơn vị vừa đạt yêu cầu vừa có giá cạnh tranh nhất. Để đưa được hàng vào siêu thị đã khó, việc duy trì được sản phẩm trên kệ hàng càng khó hơn. Sản phẩm tốt chưa đủ mà phải được người tiêu dùng ưa chuộng. Hàng vào siêu thị không đạt doanh số bán cũng sẽ bị loại. Hàng năm, hệ thống Co.opmart đều thay thế những nhãn hàng không đáp ứng yêu cầu của siêu thị bằng sản phẩm mới chất lượng và giá tốt hơn.
* Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ
Ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Hiệp Hòa Bình (Biên Hòa) cho biết, DN đang là nhà cung cấp của các hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart, lượng hàng bán qua kênh này chiếm khoảng 40% tổng doanh thu. Tuy yêu cầu của siêu thị khá nghiêm ngặt, nhất là mặt hàng thực phẩm nhưng vẫn có đường ra nếu DNVVN đi đúng hướng. DN không thể làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì mà phải đầu tư một cách bài bản cả về chất lượng và hình thức sản phẩm với chữ tín làm đầu.
Đưa hàng vào siêu thị, DN không nên chỉ nhìn vào doanh thu mà phải xác định đây là bước đầu tư lâu dài trong việc xây dựng uy tín thương hiệu thông qua kênh bán hàng để phát triển mạnh trong tương lai. Thực tế, nhờ uy tín nhiều năm là nhà cung cấp của Big C, Co.opmart, Hiệp Hòa Bình không chỉ phát triển ở thị trường nội địa mà còn nhận thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, 3 năm đầu cung cấp hàng cho siêu thị, Hiệp Hòa Bình chấp nhận không nghĩ đến lợi nhuận. “Và khi đạt doanh số bán hàng cao, DN có thể chủ động thương lượng với siêu thị để có những điều khoản tốt hơn trên nguyên tắc đôi bên đều có lợi” - ông Khỏe nói.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Bánh chưng Trần Gia cho biết, trên 10 năm qua, cơ sở này chỉ làm hàng cung cấp cho siêu thị. Đơn vị chuyên tâm vào sản xuất chứ không bị chi phối việc lo tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường. Quy mô sản xuất của cơ sở vẫn tăng trưởng tốt theo sự phát triển mạng lưới bán lẻ của các hệ thống siêu thị với mức bình quân 20%/năm. Cơ sở ký hợp đồng với siêu thị trước nên luôn chủ động trong kế hoạch sản xuất cũng như chuẩn bị nguồn nguyên liệu, vấn đề giá cả. Làm được mặt hàng có đặc trưng riêng, giữ chữ tín, luôn ổn định về chất lượng, giao hàng đúng hợp đồng... là kinh nghiệm để bánh chưng Trần Gia trở thành nhà cung cấp của các hệ thống siêu thị lớn.
Bình Nguyên