Việc xử lý rác đòi hỏi phải đầu tư công nghệ khá tốn kém và phải có nhân công thu gom để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nếu lượng rác bị ùn ứ thì đơn vị chuyên về vệ sinh môi trường sẽ bị phản ứng khá gay gắt. Thế nhưng, nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa lại rất… thờ ơ trong việc nộp phí thải rác.
Việc xử lý rác đòi hỏi phải đầu tư công nghệ khá tốn kém và phải có nhân công thu gom để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nếu lượng rác bị ùn ứ thì đơn vị chuyên về vệ sinh môi trường sẽ bị phản ứng khá gay gắt. Thế nhưng, nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa lại rất… thờ ơ trong việc nộp phí thải rác.
Chị N.T.V ở khu phố 5, phường Trảng Dài là một trong số những người lâu nay “quên” mất việc nộp tiền rác. Theo lời lẽ của chị V. thì gia đình chị chỉ có 2 người mà đi làm cả ngày, đến tối về nhà là lăn ra ngủ nên hầu như không có rác (!?). Cũng chính vì vậy mà chị “quên” việc đóng phí rác. Cũng ở khu phố này, anh Đ.V.T thì lý sự là… tự xử lý lấy rác sinh hoạt nên không đóng phí. Đáng nói là địa điểm mà anh T. tự xử lý không phải ở góc vườn nhà như anh nói mà chính là những thùng rác công cộng!
Công nhân Xí nghiệp môi trường Biên Hòa đang chuyển rác thu gom từ các hộ và xe chuyên dụng. Ảnh: V.N |
Những trường hợp như bà V. và anh T. không muốn nộp phí rác xuất hiện nhiều ở các phường, xã trong thành phố. Rác được bỏ ké vào các thùng công cộng, không ít người còn vứt xuống các kênh mương hay những nơi đất trống rất mất vệ sinh. Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai (Urenco) cho biết, hiện công ty đang thực hiện thu gom rác sinh hoạt tại địa bàn 30 phường, xã của TP.Biên Hòa; 252 hộ dân tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom; xã Bình Ý, Thạnh Phú và Thiện Tân của huyện Vĩnh Cửu. Thế nhưng tỷ lệ đóng lệ phí đạt rất thấp, chỉ đạt gần 62%, còn lại gần 40% hộ chưa thu được phí xử lý rác với rất nhiều nguyên nhân. Theo Urenco, việc nộp phí rác thấp cũng bởi ý thức của nhiều hộ dân còn kém. Nhiều gia đình không đồng ý đăng ký đổ rác với những lý do rất “kỳ lạ” như: nhà không có rác, ít rác tự xử lý, nhà ít người thỉnh thoảng mới đổ rác… Có những hộ đồng ý đăng ký đổ rác khi có mặt cán bộ phường đi vận động, nhưng đến ngày thu phí thì không đóng.
Ông Hứa Văn Đạt, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa (đơn vị thuộc Urenco trực tiếp thu gom rác) nói: “Việc thu phí rác sinh hoạt không như thu tiền điện, nước. Nếu người sử dụng điện nước không đóng sẽ cúp điện hoặc cắt nước, nên buộc họ phải nộp tiền. Trong khi đó, rác không thể không thu gom kịp thời hàng ngày, do vậy việc thu được lệ phí phụ thuộc nhiều vào ý thức của các hộ dân. Có những trường hợp ba gia đình ở một khu đất, điện, nước thì đăng ký riêng để hưởng định mức còn rác thì kiên quyết đổ chung và chỉ một hộ đóng tiền với lý do cùng người nhà trong gia đình!”.
Tỷ lệ đăng ký đổ rác và nộp phí đạt thấp không chỉ ở các xã, mà ngay một số phường cũng vậy. Đơn cử như phường Hố Nai đạt hơn 44%; Tân Biên gần 35%; Tân Hòa xấp xỉ 33%; Trảng Dài 68%. Bà Lương Thị Hồng Loan, Phó giám đốc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa cho hay: “Khi chúng tôi cùng với cán bộ địa phương tới nhà vận động đóng lệ phí thì nhiều hộ ở phường Tân Biên, Trảng Dài cho rằng gia đình tự chôn lấp rác ở trong vườn. Nhưng thực tế thì vẫn bỏ chung vào rác công cộng, một số thì vứt vào những khu đất trống ven đường rất mất vệ sinh”.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang được nhiều người quan tâm thì một bộ phận dân lại làm ngơ việc đóng lệ phí rác là điều khó chấp nhận.
Vân Nam