Cô Lê Thị Nguyệt Yến, quê ở xã Long Thọ, Nhơn Trạch đã hơn 20 năm sống bằng nghề bán dưa gang Long Thành. Người phụ nữ từng tham gia đoàn văn công Đồng Nai trước giải phóng, nay đã 57 tuổi với công việc lao động vất vả nhưng vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, tháo vát.
Cô Lê Thị Nguyệt Yến, quê ở xã Long Thọ, Nhơn Trạch đã hơn 20 năm sống bằng nghề bán dưa gang Long Thành. Người phụ nữ từng tham gia đoàn văn công Đồng Nai trước giải phóng, nay đã 57 tuổi với công việc lao động vất vả nhưng vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, tháo vát.
Sau giải phóng, cô lập gia đình, 2 vợ chồng làm rẫy nuôi con. Cô Yến còn làm thêm việc buôn bán trái cây để tăng thu nhập cho gia đình. Hồi đó, huyện Long Thành là xứ trồng dưa gang nổi tiếng xa gần vì ngọt thơm hơn hẳn những vùng khác. Xưa mỗi rẫy dưa chỉ trồng khoảng 1-2 sào chứ không trồng cả mẫu như bây giờ. Khuya, cô thường đốt đèn vào tận rẫy lựa cắt dưa chín gánh ra chợ bán. Mỗi ngày cô chỉ bán đôi ba gánh dưa. Khoảng 10 năm trở lại đây, cô cất chòi bán dưa ngay bên vệ đường 25B Nhơn Trạch, đoạn đi qua xã Long An, huyện Long Thành. Bây giờ, vựa dưa của cô là đầu mối cung cấp hàng cho Đồng Nai và nhiều tỉnh thành lân cận. Cô Yến thường mua vài tấn dưa mỗi lần nhập hàng. Trung bình mỗi ngày, vựa của cô bán vài tạ dưa cho khách vãng lai và những mối lấy hàng sỉ.
Người phụ nữ này luôn nhiệt tình, xởi lởi giới thiệu, tự tay chọn cho khách trái dưa ngon. Mùa dưa gang thường kéo dài từ giữa tháng 10 đến tháng 4 năm sau và chừng ấy thời gian vợ chồng cô túc trực 24/24 tại chòi. Thu nhập suốt mùa của 2 vợ chồng cô được khoảng 40 triệu đồng. Với ý thức giữ tiếng thơm cho loại trái cây ngon trên đất Long Thành, 2 vợ chồng cô Yến rất trân trọng cái nghề đã giúp họ đủ điều kiện nuôi dạy 6 người con ăn học nên người.
B. Nguyên