Cùng với sự phát triển của mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa, nhu cầu thiết bị chăn nuôi mang tính kỹ thuật cao ngày càng tăng. Hiện thị trường thiết bị chăn nuôi Việt Nam vẫn do doanh nghiệp (DN) nước ngoài hoặc hàng nhập chiếm lĩnh, hàng do Việt Nam sản xuất chỉ mới đáp ứng được phân khúc trung bình, giá rẻ.
Cùng với sự phát triển của mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa, nhu cầu thiết bị chăn nuôi mang tính kỹ thuật cao ngày càng tăng. Hiện thị trường thiết bị chăn nuôi Việt Nam vẫn do doanh nghiệp (DN) nước ngoài hoặc hàng nhập chiếm lĩnh, hàng do Việt Nam sản xuất chỉ mới đáp ứng được phân khúc trung bình, giá rẻ.
Thiết bị chăn nuôi do Việt Nam sản xuất chỉ đáp ứng được mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ theo kiểu thủ công. Ảnh: Khắc Giới |
Ông Phạm Văn Ngữ, nông dân sản xuất giỏi huyện Thống Nhất kể, một lần theo đoàn Việt Nam sang Thái Lan tham quan, vào hội chợ bán thiết bị chăn nuôi tổ chức tại đây, nhiều chủ trang trại chăn nuôi của ta hồ hởi rủ nhau mua hoặc đặt đơn hàng lớn các thiết bị chăn nuôi của Thái, Đức, Bỉ vì ở Việt Nam họ không tìm được những sản phẩm này.
* Đầu tư tiền tỷ mua thiết bị ngoại
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức cho biết, đơn vị chuẩn bị chi khoảng 8,5 tỷ đồng nhập dây chuyền trang thiết bị chăn nuôi gà đẻ hoàn toàn tự động của Đức. Chi phí đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng cho 10 ngàn gà đẻ. Ông tính toán, tuy mô hình chuồng trại mới này chi phí cao gấp 3 lần mô hình bán tự động mà ông đầu tư trước đó, nhưng hiệu quả kinh tế về lâu dài cao hơn hẳn. Cụ thể, tuổi thọ dây chuyền mới có độ bền 20 năm, gấp 4 lần hệ thống cũ. Mô hình mới này còn tiết kiệm điện năng, giảm công lao động, tiết kiệm diện tích chuồng trại và nhất là đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả những điểm mạnh này góp phần giảm chi phí sản xuất. Theo ông Đức tính toán, chăn nuôi quy mô lớn theo quy trình hiện đại này góp phần giảm giá khoảng 150 đồng/trứng, hiệu quả kinh tế chăn nuôi tăng cao.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Công, chủ trang trại chăn nuôi tại Biên Hòa cho biết, những trang trại chăn nuôi lớn, đầu tư hệ thống chuồng trại bài bản thường chọn thiết bị chăn nuôi do nước ngoài sản xuất. Mặc dù mức chi phí đầu tư cho hệ thống chuồng trại và các thiết bị chăn nuôi theo hướng tự động hóa rất cao, bình quân khoảng 25 triệu đồng/heo nái. Sản phẩm do DN Việt sản xuất chủ yếu phục vụ cho đối tượng chăn nuôi hộ gia đình hoặc trang trại nhỏ theo cách thủ công chứ chưa đáp ứng được nhu cầu của các trang trại quy mô lớn. Hàng Việt vẫn tập trung ở phân khúc trung bình, vừa túi tiền của đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ.
* Sản phẩm nội chỉ ở phân khúc bình dân
Theo chủ trại gà Thanh Đức, thiết bị chăn nuôi do Việt Nam sản xuất không thiếu, từ hệ thống chuồng trại đến sản phẩm cung cấp thức ăn, nước uống tự động nhưng chủ yếu tập trung ở phân khúc hàng bình dân. Ông dẫn chứng, thời gian đầu, hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín, phòng lạnh theo kiểu bán tự động của trại gà Thanh Đức đều do ông đặt hàng cho các cơ sở cơ khí tại địa phương chế tạo. Nhiều trang thiết bị khác đều là hàng trong nước, máng ăn, lồng gà sử dụng nhựa An Đông. Hàng ngoại chủ yếu là các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, như hệ thống thu trứng, tấm làm mát, hệ thống uống nước tự động. Nhưng khi trang trại phát triển chăn nuôi theo hướng tự động hóa với công nghệ hiện đại thì hàng sản xuất trong nước hầu như không đáp ứng yêu cầu.
Ông Hồ Quốc Khánh, Giám đốc Công ty thiết bị chăn nuôi Quốc Khánh cho biết, tham gia thị trường này khoảng 10 năm nay nhưng DN chỉ tập trung sản xuất 2 dòng hàng là máng ăn tự động và quạt thông gió. Hiện DN có gần 20 lao động, bình quân sản xuất khoảng 1.500 sản phẩm/tháng. DN sản xuất dòng sản phẩm chất lượng ở mức trung bình để có mức giá phù hợp với đối tượng khách hàng là hộ chăn nuôi hoặc trang trại quy mô nhỏ. Điều này làm giảm áp lực cạnh tranh với hàng nhập từ Bỉ, Pháp, Ý với giá cao gấp nhiều lần. DN không lo bị áp lực cạnh tranh giá rẻ vì hàng Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các sản phẩm chi tiết như kìm bấm răng nanh, kìm bấm đuôi, dụng cụ bơm tiêm tự động, máy khám thai…Tuy nhiên, những sản phẩm do DN ông sản xuất đang phải cạnh tranh với nhiều DN trong nước tham gia sản xuất cùng loại mặt hàng.
Bình Nguyên