Báo Đồng Nai điện tử
En

Xoài Sapi - tên tuổi mới trên thị trường

09:12, 22/12/2011

Cùng với sự phát triển của thương hiệu xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng), nông dân trồng xoài tại đồi Sapi, xã Xuân Bắc - Xuân Lộc cũng đang tạo chỗ đứng trên thị trường.

 

Cùng với sự phát triển của thương hiệu xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng), nông dân trồng xoài tại đồi Sapi, xã Xuân Bắc - Xuân Lộc cũng đang tạo chỗ đứng trên thị trường.

Năm 2001, những cây xoài đầu tiên được nông dân đưa về trồng quanh theo chân đồi Sapi để thay thế cho một số diện tích bắp mì năng suất thấp. Qua 10 năm mở rộng diện tích, đến nay cây xoài đã phủ xanh khắp các sườn đồi và trở thành cây trồng chủ lực của các hộ dân nơi đây. Hiện nay, toàn khu vực đồi Sapi có trên 75 hécta xoài, gồm các giống: Cát Bưởi, Cát Chu, Cát Hòa Lộc và xoài Thái. Hàng năm xuất ra thị trường hơn 3.000 tấn. Anh Trần Văn Dương, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) xoài Sapi xã Xuân Bắc, cho biết: Đất ở đây là loại cát sỏi nghèo dinh dưỡng, trồng mì cũng không lên nổi, thế nhưng lại rất thích hợp với cây xoài. Cây xoài trồng tại đồi Sapi rất xanh tốt, năng suất đạt cao, lên đến 40 tấn/năm, trái rất thơm, có vị ngọt thanh nên được khách hàng rất chuộng.

Vườn xoài của ông Hoàng Văn Đảm ở khu đồi Sapi. Ảnh: H.ĐÌNH
Vườn xoài của ông Hoàng Văn Đảm ở khu đồi Sapi. Ảnh: H.ĐÌNH

Năm 2007, khi cây xoài được mở rộng diện tích, nhiều nông dân nơi đây đã thành lập CLB xoài năng suất cao Sapi với 32 hội viên có tổng diện tích 43 hécta. Qua gần 4 năm hoạt động, CLB đã tranh thủ được nhiều nguồn hỗ trợ, như: vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng hoặc chương trình mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với hình thức trả chậm… Bên cạnh đó, thông qua các buổi hội thảo được tổ chức tại CLB đã giúp bà con nắm bắt được nhiều kỹ thuật canh tác, như: phương pháp xử lý xoài trái vụ, cách chăm sóc và phòng ngừa đối với các loại nấm bệnh gây hại,… Đặc biệt đầu năm 2011, theo Quyết định số 43 của UBND tỉnh về dự án cây con chủ lực, CLB xoài Sapi đã được Nhà nước hỗ trợ hơn 350 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Ông Trần Văn Dương, Chủ nhiệm CLB cho biết, vì khu vực quanh đồi Sapi rất hiếm nguồn nước, do vậy khi nghe chủ trương Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm thì bà con rất mừng và thống nhất thực hiện. Sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay toàn CLB đã lắp đặt tưới tiết kiệm trên 37 hécta. Dự kiến đến đầu năm 2012, 100% diện tích xoài của CLB sẽ có hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nông dân ở đây đã cải tiến một số công đoạn nhằm làm giảm chi phí lắp đặt xuống còn khoảng 60% so với các địa phương khác (mức đầu tư 12 triệu đồng/hécta).

Cũng theo ông Trần Văn Dương, chủ nhiệm CLB xoài Sapi, để tăng thêm hương vị đặc trưng của xoài Sapi, 100% hội viên trong CLB đều sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây. Tuy mức đầu tư có hơi tốn kém nhưng loại phân này giúp quả xoài tăng thêm độ ngọt, đồng thời an toàn cho người sử dụng. Nếu bón phân hóa học, thuốc kích thích thì quả xoài rất mau thối. Ngược lại, khi sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thì thời gian bảo quản có thể tăng thêm từ 5-7 ngày. Ông Dương cũng cho biết thêm, năm nay thời tiết thất thường, nhiều diện tích xoài tại Xuân Lộc bị khô bông, rụng quả. Tuy nhiên, tại CLB Sapi, xoài ra trái vẫn ổn định, năng suất ước đạt khoảng 30 tấn/hécta.

Để phục vụ xoài cho Tết Nguyên đán sắp tới, nhiều thương buôn tìm đến ký bao tiêu sản phẩm với giá 15 ngàn đồng/kg, tăng gần 5 ngàn đồng/kg so với năm 2010. Đây sẽ là một mùa bội của bà con trồng xoài tại đồi Sapi.

Hải Đình

Tin xem nhiều