Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh Thổ Hùng làm kinh tế giỏi

09:01, 15/01/2012

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình anh Thổ Hùng, người dân tộc Chơro, ngụ ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, từ một hộ nghèo đã vươn lên khá giả.

 

Anh Hùng đang cho dê ăn.
Anh Hùng đang cho dê ăn.

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình anh Thổ Hùng, người dân tộc Chơro, ngụ ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, từ một hộ nghèo đã vươn lên khá giả.

Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, anh Hùng lớn lên nhờ sự bảo bọc của người anh trai. Năm 1979, anh lập gia đình với 2 bàn tay trắng. Hàng ngày vợ chồng anh phải đi cày thuê, cuốc mướn để lấy tiền sinh sống. Sau 3 năm tích lũy, anh đã mua được 4 sào đất rẫy. Tuy nhiên, do đất đai bạc màu, vợ chồng anh cật lực lao động nhưng cũng chẳng đủ cái ăn cho 6 người trong nhà.

Năm 2007, chính quyền địa phương quyết định hỗ trợ anh 10 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Với đồng vốn ít ỏi đó, anh đầu tư nuôi 2 con bò và 15 con dê thịt. Anh Hùng tâm sự: “Lúc tôi bắt đầu chăn nuôi là thời điểm giá dê thịt xuống rất rẻ, chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg. Nhiều người khuyên ngăn không nên chăn nuôi vì sau này không biết bán cho ai. Thế nhưng, tôi cứ vẫn quyết định nuôi vì nghĩ rằng sau này giá cả sẽ tăng”.

Quả vậy, chỉ một năm sau, giá dê thịt từ 20 ngàn đồng/kg lên đến 60-70 ngàn đồng/kg. Lúc này anh Hùng bán một ít dê đực để lấy tiền trang trải sinh hoạt, còn dê cái giữ lại nuôi sinh sản. Đến giữa năm 2011, đàn dê sinh sôi nảy nở được hơn 80 con lớn nhỏ và đàn bò cũng đẻ được 5 con. Lúc này anh Hùng mới quyết định bán hơn 70 con dê thịt được hơn gần 150 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp của gia đình tổng cộng hơn 200 triệu đồng để mua 2 chiếc máy phóng lúa và máy phóng bắp. Vào thời điểm này, anh mở rộng diện tích đất canh tác được hơn 1 hécta. Anh còn đầu tư hơn 10 triệu đồng kéo đường điện từ ngoài làng vào rẫy để sản xuất. Anh Hùng chia sẻ: “Trước khi vay vốn, tôi đã tính toán rất kỹ đến việc chăn nuôi. Vì lúc này giá con giống rất rẻ, mà nguồn thức ăn tự nhiên trên nương rẫy của nhà quá dồi dào, chăn nuôi để tận dụng thời gian rảnh rỗi, đồng thời có nguồn phân bón cho ruộng lúa, bắp”.

Không chỉ đầu tư chăn thả, anh Hùng còn đào hơn một sào ao để nuôi cá, nuôi vịt; đồng thời trồng thêm lúa, bắp để lấy lương thực cho gia đình và chăn nuôi.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, 11 năm qua, anh Hùng còn tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội ở địa phương như: Tổ trưởng tổ nhân dân, đại biểu HĐND xã Xuân Phú, công an viên phụ trách địa bàn làng dân tộc Chơro… Và ở bất cứ cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông  Nguyễn Trọng Quang, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú, cho biết trong những năm qua, anh Hùng là người dám nghĩ, dám làm, đi tiên phong trong việc làm kinh tế tại làng dân tộc Chơro. Gia đình anh không chỉ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn biết xoay xở đồng vốn, đầu tư hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng nhờ sự cần cù, chịu khó, biết tính toán làm ăn, đến nay cuộc sống gia đình anh Hùng khá sung túc, có đủ điều kiện lo cho các con được học hành tới nơi tới chốn.

Hải Đình

 

 

Tin xem nhiều