Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản vùng miền thu hút người tiêu dùng

09:01, 08/01/2012

Tận dụng ưu thế về giá cả, khẩu vị…, những mặt hàng đặc sản mang tính vùng miền ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng chọn lựa.

 

Tôm khô miền Tây loại 1 tại chợ Biên Hòa tuy giá cao nhưng rất đắt khách.
Tôm khô miền Tây loại 1 tại chợ Biên Hòa tuy giá cao nhưng rất đắt khách.

Tận dụng ưu thế về giá cả, khẩu vị…, những mặt hàng đặc sản mang tính vùng miền ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng chọn lựa.

Các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.op Mart, Vinatex Mart hay Metro đều dành khá nhiều “đất” cho các loại thực phẩm địa phương, đặc biệt là nhóm hàng đặc sản. Không chỉ dừng lại ở hàng tươi sống, nhiều loại thực phẩm còn được “công nghệ hóa” để cho ra những sản phẩm tiêu dùng tiện lợi.

* Đặc sản dân dã mọi miền…

Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) nhỏ hiện rất chú ý tìm tòi các mặt hàng đặc sản địa phương (ĐSĐP) nhằm làm phong phú thêm sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của DN trên thị trường.

Theo đó, nếu “xông pha” vào những mặt hàng đã có thị phần quá lớn và thương hiệu quá mạnh, được nhiều người nhận định chưa chắc đã thành công. Trong khi đó, ĐSĐP rất đa dạng và phong phú, lại tạo được nét riêng cho sản phẩm nên nếu đầu tư vào lĩnh vực này sẽ có nhiều cơ hội hơn. Chẳng hạn, nhà sản xuất Thuận Phát nổi tiếng về một số sản phẩm gia vị chỉ ở Việt Nam mới có như: mắm nêm, đu đủ tôm chua Huế, chao tiêu, chao ớt, tương gừng, mắm tôm Bắc, mắm ruốc Huế...  Hay như DN Hương Việt, Quê Việt... cũng cho ra đời đặc sản sông nước bao gồm: cua đồng tinh chế, cá linh miền Tây đông lạnh, cá chuồn miền Trung, cá rô đồng đóng hộp... với sự đón nhận khá hào hứng của người tiêu dùng. Một tiểu thương ở chợ Hãng Dầu (TP. Biên Hòa) nhận định: “Gia vị và hàng đặc sản địa phương dưới dạng đông lạnh, sơ chế hoặc phơi khô ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi nó lạ miệng, tiện lợi trong chế biến, giá cũng không quá đắt. Hàng bán khá chạy nên khi nhà sản xuất giới thiệu  đặc sản mới, tôi cũng hào hứng lấy bán để làm phong phú cho tiệm hàng...”.

Đặc biệt hơn, siêu thị thực phẩm online của báo Sài Gòn Tiếp Thị quảng bá rất nhiều ĐSĐP từ rất nhiều vùng miền cả nước như: nếp cái hoa vàng, lạc rang húng lìu, ô mai mận cơm, chè lam... của miền Bắc; mắm sò Lăng Cô, mứt kho khô, tỏi Lý Sơn, rượu Bàu Đá... của miền Trung; lạp xưởng tôm, tôm khô, gạo hạt dài, cá linh kho mía, đường thốt nốt... ở miền Nam... bằng phương thức giao hàng và thanh toán trực tuyến khá thuận lợi.

* Cơ hội mở rộng thị trường

Tăng cường hợp tác và thu mua các loại thực phẩm địa phương, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản hiện đang được nhiều hệ thống siêu thị chú trọng. Đây cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho nhiều nhà vườn, nhiều DN sản xuất nhỏ mong muốn mở rộng thị trường.

Đại diện hệ thống BigC cho biết, tất cả các dòng hàng thực phẩm có thương hiệu ĐSĐP nổi tiếng đều được BigC kinh doanh. Điều này cho thấy, tăng cường tỷ lệ hàng ĐSĐP là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách thu mua của hệ thống siêu thị này. Từ năm 2008, BigC bắt đầu triển khai chương trình “BigC cùng nhà sản xuất tìm lối ra cho sản phẩm nội”, với mục đích tiếp cận trực tiếp với DN nhỏ lẻ của từng địa phương, hợp tác quảng bá và tiêu thụ hàng ĐSĐP qua kênh phân phối hiện đại. Từ đó đến nay, BigC đã tổ chức nhiều hội thảo tại Huế, Nam Định, Nghệ An... với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất địa phương”. Ngoài ra, BigC còn tiếp cận hàng trăm nhà sản xuất địa phương và đã ký kết nhiều hợp đồng đưa hàng hóa ĐSĐP vào kinh doanh tại siêu thị. Mặt khác, sản phẩm ĐSĐP đạt tiêu chí thu mua còn được quảng bá trên toàn hệ thống siêu thị BigC cũng như xuất khẩu. Không chỉ dừng lại ở những địa phương này, trong thời gian tới, BigC sẽ kết hợp với nhiều vùng miền khác, nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm nội, nhất là ĐSĐP.

Trái cây đặc sản địa phương bán tại BigC.          Ảnh: V. LÂM
Trái cây đặc sản địa phương bán tại BigC. Ảnh: V. LÂM

Trong thời gian gần đây, thực hiện chủ trương phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng nhu cầu trao đổi hàng hóa từ địa phương này đến địa phương khác trong cả nước, hệ thống siêu thị Co.op Mart, Vinatex còn tăng cường việc tìm kiếm nguồn hàng ĐSĐP. Theo đó, trong gần 50 siêu thị hiện có của Saigon Co.op Mart, các siêu thị ở tỉnh chiếm đến hơn một nửa và trong số 80 - 90% hàng nội địa bán trong siêu thị thì hàng nông sản và ĐSĐP chiếm 10-20%.

Về sức mua, theo các siêu thị thì những mặt hàng ĐSĐP thường ít bán đại trà nên mua được hàng chính gốc không phải dễ dàng. Bởi cùng lúc phải tập trung lượng lớn mặt hàng và đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm thì người tiêu dùng mới tin tưởng, tạo sức mua tốt. Nhóm hàng đặc sản hiện bán khá chạy tại nhiều siêu thị, có thể kể đến: bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, cam Vinh, bánh pía Sóc Trăng, bánh mè láo Sóc Trăng, bánh đậu xanh Hải Dương, nem chua Huế, bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường, bánh chưng Ước Lễ, mè xửng Huế…

 Vi Lâm

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích