Những cơn mưa lớn bất thường thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây mì, hiện giá mua củ mì tươi chỉ còn 1.200 - 1.300 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm từ 600 - 800 đồng/kg.
Những cơn mưa lớn bất thường thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây mì, hiện giá mua củ mì tươi chỉ còn 1.200 - 1.300 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm từ 600 - 800 đồng/kg.
Xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có gần 650 hécta cây mì, trồng tập trung ở các ấp: Gia Hòa, Bầu Sen, Trung Hiếu và Trung Tính. Đến thời điểm này, nông dân Xuân Trường đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích, nhưng người trồng mì kém vui vì phần lớn diện tích mì bị bệnh nấm hoành hành. Bên cạnh đó, những trận mưa trái vụ đúng vào mùa thu hoạch khiến năng suất và chất lượng của củ mì giảm đáng kể. Anh Phạm Minh Tâm ở ấp Gia Hòa, người có thâm niên nhiều năm trồng mì, nhưng năm nay do ảnh hưởng của bệnh nấm nên 5 sào mì của anh chỉ cho năng suất khoảng 10 tấn/hécta, thấp hơn 5 - 6 tấn/hécta so với mọi năm. Nếu tính giá mì tươi hiện nay là 1.200 đồng/kg, anh chỉ thu được 12 triệu đồng, giảm hơn 10 triệu đồng so với vụ trước.
Theo thống kê, Xuân Trường có hàng chục hécta mì bị nấm bệnh. Các hộ dân trồng mì cho biết, giá giảm xuống mạnh là do cây mì bị nhiễm bệnh, chất lượng củ kém khiến thương lái và các lò sơ chế chê. Hiện không riêng gì diện tích mì ở Xuân Trường mà người dân tại nhiều xã khác, như : Xuân Tâm, Xuân Hưng... cũng đang rầu rĩ trước các triệu chứng bệnh trên cây mì như: bị xoăn ngọn sau đó lá khô rụng, trên thân cây mọc rất nhiều mầm. Khi cây mì vướng phải bệnh này, năng suất sẽ giảm khoảng 1/3, còn củ thì tích nhiều nước làm cho hàm lượng tinh bột giảm mạnh.
Đứng trước tình hình giá mì xuống quá thấp, nhiều nông dân chọn giải pháp xắt lát phơi khô để chờ giá tăng. Theo ông Vũ Mạnh Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, những năm trước các vùng trồng mì cũng đã xuất hiện bệnh nấm gây hại, nhưng không nhiều như năm nay. Mặc dù Hội Nông dân xã đã nhiều lần tổ chức các buổi hội thảo về kỹ thuật trồng mì, nhưng do tập quán canh tác cũ còn ảnh hưởng không ít trong nông dân nên việc áp dụng kỹ thuật mới đưa vào sản xuất còn hạn chế. Cụ thể, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con tự gom cây mì để làm giống cho vụ sau hoặc mua giống trôi nổi khiến mầm bệnh nấm phát sinh mạnh.
Hiện nay, các danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng trên cây mì rất hạn chế, do vậy Hội Nông dân xã khuyến cáo với các diện tích bị nấm bệnh, bà con nên chuyển sang trồng loại cây khác, sau 1 năm mới trồng lại mì, đồng thời phải xử lý vôi trước khi cày đất để xuống giống và xử lý thuốc cho hom giống, tăng cường sử dụng các loại phân chuồng, phân hữu cơ để tăng màu mỡ cho đất, đảm bảo năng suất cho cây trồng.
Hoàng Lê