Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong khó khăn?

09:02, 27/02/2012

Năm 2012, doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn: sức tiêu thụ trên thị trường giảm, chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh gay gắt và khả năng tiếp cận vốn khó. Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cuối tuần qua, giải pháp về vốn, cải cách thủ tục hành chính, những ưu đãi cho DN… là những vấn đề “nóng” được  DN quan tâm.

Năm 2012, doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn: sức tiêu thụ trên thị trường giảm, chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh gay gắt và khả năng tiếp cận vốn khó. Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cuối tuần qua, giải pháp về vốn, cải cách thủ tục hành chính, những ưu đãi cho DN… là những vấn đề “nóng” được  DN quan tâm.

DN cần chủ động để tự cứu mình trước khi chờ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của nhà nước phát huy hiệu quả. Theo đó, DN phải thực hiện các biện pháp nhằm cấu trúc lại tổ chức, tối ưu hóa việc sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng năng suất, chất lượng, chống lãng phí và tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

* Rào cản thủ tục hành chính

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty CP giày dép Cao su màu nêu ý kiến, DN muốn xây dựng một nhà kho tại huyện Vĩnh Cửu nhưng 2 năm rồi chưa thực hiện được vì còn vướng thủ tục, giấy tờ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lưu chuyển công văn từ huyện lên tỉnh, giữa các ban ngành mất thời gian quá lâu. Ông kiến nghị các cơ quan hành chính nhà nước cũng cần thực hiện theo quy trình ISO, thông báo chính xác ngày tháng trả hồ sơ cho DN.

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty CP giày dép Cao su màu mong được gỡ khó về thủ tục hành chính. Ảnh: B. Nguyên
Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty CP giày dép Cao su màu mong được gỡ khó về thủ tục hành chính. Ảnh: B. Nguyên

Cùng nỗi bức xúc trên, đại diện của Tập đoàn Mai Linh Đông Nam bộ cho biết, từ năm 2009 đơn vị đã mua đất để xây dựng trụ sở nhưng đến nay vẫn đi thuê mặt bằng và cán bộ, nhân viên của tập đoàn phải làm việc trong điều kiện văn phòng chật chội. Số vốn 7 tỷ đồng DN mua đất xây trụ sở hiện chưa được khai thác. Tình trạng này kéo dài đều do vướng mắc thủ tục hành chính...

Về công tác quản lý nhà nước, ông Lưu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Đại Danh Phát (ngành bất động sản), góp ý về vấn đề quản lý hoạt động môi giới kinh doanh bất động sản còn quá lỏng lẻo. Hiện không ít tổ chức, cá nhân tham gia vào kinh doanh bất động sản theo kiểu tự phát, ai cũng có thể trở thành môi giới theo kiểu làm “cò” bán đất, bán nhà mà không có bất kỳ điều kiện nào, như : giấy phép hoạt động hay được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Tình hình này làm xấu đi môi trường kinh doanh bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (chuyên về xuất khẩu gỗ) thì kêu khó vì lãi suất ngân hàng hiện vẫn còn quá cao. Theo ông, với mức lãi suất như hiện nay, DN làm ăn hiệu quả cũng khó có lợi nhuận nói gì đến những đơn vị đang cố gắng tồn tại. Khó về vốn buộc DN phải thu hẹp sản xuất, đồng nghĩa với việc dần mất đi cơ hội phát triển.

* Thích ứng nhanh để vượt khó

Theo ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, khó khăn trong năm 2012 là không tránh khỏi, DN phải xem đây là thách thức để tìm cách vượt qua. Đây là thời điểm DN đặt lại kỳ vọng về lợi nhuận, phải tính toán lại mọi chi phí, đưa ra các kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và chủ động hạn chế rủi ro. DN cần cân bằng giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất.

Ông Trần Dục Dân chia sẻ, năm 2012, khủng hoảng châu Âu đã ảnh hưởng rõ nét đến tình hình xuất khẩu của DN, cụ thể là đơn hàng ở khu vực này giảm hẳn. DN phải tự cứu mình bằng cách nỗ lực đi tìm thị trường, mở rộng đối tượng khách hàng ở những khu vực khác. Bên cạnh đó, năm nay, Cao su màu sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa. “Giai đoạn này, yếu kém của nền kinh tế đang lộ rõ, DN vừa nỗ lực vượt khó, đồng thời phải chuẩn bị để đón cơ hội cho năm 2013 khi nền kinh tế phục hồi. Điều DN nên quan tâm thực hiện ngay là cơ cấu lại bộ máy quản lý nhân sự” - ông Dân nói.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc DNTN Anh Nghĩa - chuyên sản xuất linh kiện cơ khí, đây là năm nhiều cơ hội cho DN thuộc ngành công nghiệp phụ trợ vì Nhà nước đang khuyến khích lĩnh vực này phát triển. Ngoài ra, kinh tế khó khăn, DN sản xuất buộc phải tìm cách giảm tối đa mọi chi phí nên quan tâm hơn đến việc thay thế hàng nhập bằng sản phẩm trong nước với giá thành hợp lý hơn. Trong kế hoạch sản xuất năm 2012, DN đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại để đáp ứng được đơn hàng lớn với yêu cầu kỹ thuật cao hơn.

Ông Phạm Văn Hải, đại diện Ngân hàng HSBC nhận định, năm 2012 kinh tế Việt Nam tuy còn khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì vì cầu nội địa tốt, xuất khẩu đạt mức cao. Hàng hóa xuất khẩu của ta đa phần là các mặt hàng thiết yếu nên ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế chung. Ngoài ra, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng khiến cơ hội đến với DN nhiều hơn. Lạm phát sẽ giảm mạnh trong năm nay vì Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế hiệu quả. Tuy nhiên, DN cần cẩn trọng khi vay vốn, chỉ vay cho những dự án chắc chắn hiệu quả vì lãi suất còn ở mức cao.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho

biết, quy hoạch những cụm công nghiệp dành cho DN nhỏ chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng đơn giản vì họ không đủ sức vào những khu công nghiệp quy mô lớn, phí mặt bằng cao. Tỉnh nên có sự ưu đãi, kêu gọi nhà đầu tư các cụm công nghiệp từ chính DN tại địa phương. Những ưu đãi dành cho DN phải thực chất, cụ thể hơn là xây dựng những chương trình lớn với quá nhiều điều kiện tạo thêm gánh nặng cho DN. Sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước với DN lúc này là cải cách hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thủ tục.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều