Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuối mùa khô tiềm ẩn nhiều nỗi lo

08:02, 26/02/2012

Mùa khô năm 2011-2012, thời tiết trong tỉnh hay xảy ra những trận mưa trái mùa lớn. Đặc biệt, trong tháng 2 đã xảy ra áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trong 3 ngày liền. Nhiều nông dân lo lắng khi nửa cuối mùa khô thời tiết tiếp tục bất thường.

 

Mùa khô năm 2011-2012, thời tiết trong tỉnh hay xảy ra những trận mưa trái mùa lớn. Đặc biệt, trong tháng 2 đã xảy ra áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trong 3 ngày liền. Nhiều nông dân lo lắng khi nửa cuối mùa khô thời tiết tiếp tục bất thường.

Mọi năm vào tháng 5, tháng 6 bão và áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện trên biển Đông. Thế nhưng năm nay, gần cuối tháng 2 trên biển Đông đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở nhiều tỉnh, thành Nam bộ. Tại Đồng Nai, trong các ngày 16, 18 và 22-2 đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Ở TP. Biên Hòa, cơn mưa lớn trong 3 ngày trên đã khiến nhiều đoạn bị ngập và kẹt xe. Đây là hiện tượng bất thường của thời tiết. Các nhà chuyên môn cho rằng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

* Thời tiết không bình thường

Mùa khô năm 2011-2012, thời tiết Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng thường xuyên có mưa trái mùa. Trong đó, một số cơn mưa lớn gây thiệt hại không nhỏ cho cây trồng ở các địa phương. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Đồng thời, trong nửa cuối mùa khô 2011-2012 sẽ còn tiếp tục xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa. Những cơn mưa trái mùa khả năng sẽ tập trung vào thời điểm nửa cuối tháng 3. Lượng mưa sẽ lớn hơn so với trung bình nhiều năm. Mưa trái mùa nhiều nên thời tiết trong tỉnh sẽ bớt nắng nóng.

Nông dân xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) phun thuốc phòng trừ bệnh dịch cho cây quýt.
Nông dân xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) phun thuốc phòng trừ bệnh dịch cho cây quýt.

Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho biết: “Mùa khô này, ngày nóng nhất ở Đồng Nai nhiệt độ chỉ 350C, thấp hơn mùa khô trước 1-20C và  năm nay có mưa trái mùa nhiều hơn. Ngoài ra, vào sáng sớm cũng hay có sương mù. Sương mù và lạnh vào sáng sớm gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng”.  

Do có nhiều cơn mưa trái mùa lớn nên mực nước trên các sông, suối trong tỉnh cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối mùa khô, mực nước trên các sông suối sẽ xuống dần và kiệt nhất vào tháng 3 và tháng 4. 

* Cây trồng bị thiệt hại

Mưa trái mùa nhiều nhưng không đúng thời điểm đã làm giảm năng suất, chất lượng của nhiều loại cây trồng, như: điều, mía, tiêu, lúa, xoài... Ông Nguyễn Văn Ân, cán bộ nông nghiệp xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho hay: “Vào thời điểm cây điều ra hoa đậu trái thì gặp mưa trái mùa lớn nên tỷ lệ đậu trái thấp và trái hay bị rụng. Năm nay, nhiều vườn điều trong xã năng suất giảm 15-20% so với năm 2011”.

Sương mù và lạnh làm một số vườn tiêu ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc bị sâu bệnh).        Ảnh: H. GIANG
Sương mù và lạnh làm một số vườn tiêu ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc bị sâu bệnh). Ảnh: H. GIANG

Những cơn mưa trái mùa lớn làm hàng trăm hécta mía, lúa đông xuân sớm bị đổ ngã, năng suất, chất lượng đều ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Giỏi, xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) cho biết: “Mấy cơn mưa trái mùa vừa qua đã khiến một số diện tích lúa đông xuân sắp thu hoạch của tôi bị đổ nên thu hoạch khó khăn, năng suất giảm 10%”. Một số nông dân trồng mía ở Nhơn Trạch, Trảng Bom than, mưa trái mùa làm  thiệt đơn, thiệt kép vì mía bị đổ hàng loạt, vừa tốn thêm công chặt, chữ đường lại giảm.

Mùa khô năm 2011-2012, nhiều đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào khiến thời tiết ở Đồng Nai vào sáng sớm thường lạnh có sương mù khiến sâu bệnh trên một số cây trồng gia tăng. Cụ thể, bệnh bọ xít muỗi đỏ, thán thư trên cây điều, bệnh đạo ôn lá trên cây lúa... Sâu bệnh gia tăng cũng đồng nghĩa với việc nông dân mất thêm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt phòng trị bệnh.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với hiện tượng thời tiết tiếp tục lạnh và sương mù vào sáng sớm sẽ làm dịch bệnh trên cây trồng gia tăng. Vì vậy, bà con nông dân chú ý thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện cây trồng bị bệnh nặng tiến hành phun xịt thuốc đặc trị để phòng trừ. Đồng thời bà con lưu ý áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây trồng sẽ bớt được sâu bệnh và giảm chi phí đầu vào. Riêng các vườn cây lâu năm nông dân dọn sạch cỏ rác tạo sự thông thoáng và đào mương thoát nước hạn chế nấm bệnh phát sinh.

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều