Báo Đồng Nai điện tử
En

Đất phân lô: Hạ giá vẫn ế!

10:02, 13/02/2012

Có lẽ chưa bao giờ thị trường nhà đất ở TP.Biên Hòa lại rơi vào tình trạng ế ẩm như hiện nay. Đáng kể là nhiều khu đất phân lô (ĐPL) ở những khu vực trước đây khá “nóng”, như: Trảng Dài, Hóa An… đang được rao bán bằng cách… rải tờ rơi. Tuy vậy, vẫn rất ít người muốn mua.

Rao bán đất khắp nơi bằng tờ rơi và bảng quảng cáo.
Rao bán đất khắp nơi bằng tờ rơi và bảng quảng cáo.

Có lẽ chưa bao giờ thị trường nhà đất ở TP.Biên Hòa lại rơi vào tình trạng ế ẩm như hiện nay. Đáng kể là nhiều khu đất phân lô (ĐPL) ở những khu vực trước đây khá “nóng”, như: Trảng Dài, Hóa An… đang được rao bán bằng cách… rải tờ rơi. Tuy vậy, vẫn rất ít người muốn mua.

Không giảm giá rầm rộ như một số thị trường bất động sản (BĐS) ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, song giá BĐS, đặc biệt là ĐPL tại TP.Biên Hòa đang phải dùng “chiêu” hạ giá để kiếm khách.

* Giả giảm 10% trở lên

Nếu như trước đây, ĐPL giá rẻ ở khu vực phường Trảng Dài luôn được chào bán ở mức từ 100 - 150 triệu đồng/lô có diện tích trên dưới 100 m2, thì nay giá đất ở các khu phố 3,4 chỉ còn từ 60 - 120 triệu đồng/lô, tùy theo diện tích, vị trí. Theo giới buôn bán đất ở khu vực này, mức giá hiện giảm từ 10 - 15% so với thời điểm đầu năm 2011. Tuy giá đất đã “hạ nhiệt”, song vẫn không dễ bán, mặc dù ĐPL ở Trảng Dài dạo trước thu hút khá nhiều người mua là công nhân viên chức hay những hộ dân từ các nơi khác đến nhập cư.

Anh T., một trong những người có ĐPL ở KP4, phường Trảng Dài thừa nhận, dù giá đã xuống nhiều nhưng không mấy người hỏi mua. Theo anh T., thị trường BĐS năm ngoái gặp khó khăn, tuy nhiên hoạt động kinh doanh vẫn sôi động, không như hiện nay yên ắng thấy rõ. Một trong những nguyên nhân khiến BĐS ế ẩm, vì khoản vay từ ngân hàng để mua đất không phải dễ. Tương tự, giá ĐPL ở khu vực xã Hóa An, phường Bửu Hòa giờ cũng hạ khoảng 10% so với trước, nhưng thanh khoản vẫn khó. Hiện tại, nhiều chủ đầu tư phải rao bán đất giá rẻ bằng hình thức phát tờ rơi tại các ngã tư, hoặc dán quảng cáo khắp nơi.

Bà Nguyễn Kim Chi, giám đốc Công ty TNHH BĐS Minh Luận (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, doanh nghiệp đã giảm giá khoảng 10% so với năm 2011 ở sản phẩm ĐPL trong một dự án dân cư tại phường Bửu Hòa, song ít người hỏi đến. Ông Hùng, nhà ở đường Phạm Văn Thuận, một trong những người môi giới nhà đất lâu năm tại TP.Biên Hòa khẳng định, những năm trước giá ĐPL trên đường Võ Thị Sáu nối dài luôn đắt khách. Đến nay, cũng giống như nhiều khu vực khác, giá ĐPL ở đây hạ xuống 10%, tức một lô đất có diện tích xấp xỉ 80 m2 giảm khoảng trên 100 triệu đồng, vẫn rất ít người hỏi mua.

* Khó lòng “khởi sắc”… 

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguồn vốn năm 2012 dành cho BĐS sẽ “khởi sắc” hơn năm 2011. Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho biết vẫn tiếp tục nói “không” hoặc áp lãi suất thật cao cho các khoản vay liên quan đến BĐS. Chính vì vậy, những người có nhu cầu mua nhà đất ở thời điểm này sẽ phải cân nhắc, đồng ý vay với lãi suất của ngân hàng hay tiếp tục chờ đến khi thuận lợi. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường nhà đất vì nếu người mua thiếu tiền thì người bán cũng gặp khó khăn.

Một trong những khu vực đất phân lô giá rẻ tại tổ 13, KP4, P. Trảng Dài đang bỏ hoang.
Một trong những khu vực đất phân lô giá rẻ tại tổ 13, KP4, P. Trảng Dài đang bỏ hoang.

Theo bà Nguyễn Kim Chi, đất ở TP.Biên Hòa không giảm giá tới mức 30% hay 50% như những thành phố lớn. Cơ bản là do chủ đầu tư các dự án dù gặp không ít trục trặc trong kinh doanh, song không đến mức chịu áp lực quá lớn về vốn vay hay lãi suất như nhiều DN ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Thực tế, tại những nơi này, thị trường hầu như luôn có tính thanh khoản tốt, dẫn đến việc nhiều người sẵn sàng huy động vốn giá cao để đầu tư. Vì thế, khi BĐS bị đóng băng, DN sẽ gặp áp lực rất lớn. Tuy nhiên, việc phải hạ giá đất để lôi kéo người mua ở nhiều khu vực cũng là điều trước nay chưa từng xảy ra ở thị trường Biên Hòa.

Ông Nghê Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho biết, hầu hết các thành viên trong hiệp hội đều đang gặp khó khăn rất lớn do sức mua thị trường trước đã chậm, nay còn “ì” hơn. Phản ánh từ các thành viên trong hiệp hội cho thấy, các chủ đầu tư ngày càng “đuối” dần, sàn giao dịch và hoạt động mua bán trên thị trường rất trầm lắng. Theo đó, ĐPL ở nhiều khu vực thanh khoản khá tốt trước đây, như: Trảng Dài, Hóa An, cù lao Hiệp Hòa, Tân Vạn, Tân Phong (phía sau Bệnh viện tâm thần Trung ương 2)… cũng rơi vào tình trạng “chẳng ai buồn ngó”. “Bước vào năm 2012, vốn liếng cho BĐS tiếp tục khó khăn, DN có dự án tốt cũng không tiếp cận nổi nguồn vốn có lãi suất phải chăng để tiến hành thực hiện. Trong khi người mua có nhu cầu thực sự cũng khó vay tiền, dẫn đến thị trường BĐS tiếp tục ảm đạm, chẳng biết bao giờ mới vực dậy được” - ông Dũng nhận xét.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều