Chỉ trong thời gian ngắn, dịch cúm gia cầm đã lây lan ra 11 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài lây lan nhanh, cúm gia cầm còn phát triển sang chủng loại mới chưa có vaccine phòng ngừa, khiến người chăn nuôi rất lo lắng.
Chỉ trong thời gian ngắn, dịch cúm gia cầm đã lây lan ra 11 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài lây lan nhanh, cúm gia cầm còn phát triển sang chủng loại mới chưa có vaccine phòng ngừa, khiến người chăn nuôi rất lo lắng.
Đồng Nai có tổng đàn gà lên đến trên 9 triệu con. Đa số các huyện chăn nuôi lớn đều có đường quốc lộ chạy qua nên nguy cơ bùng phát dịch tương đối cao. Nhiều năm nay, tuy tỉnh chưa để xảy ra dịch cúm gia cầm song trước nguy cơ của dịch, hầu hết các trang trại đều áp dụng các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt.
* Diễn biến phức tạp
Những năm trước, vào dịp giữa năm thời tiết nóng ẩm là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, song năm nay ngay từ đầu năm dịch cúm đã nổ ra trên diện rộng. Ở phía Bắc, virus cúm gia cầm (H5N1) đã biến chủng sang dạng mới nên vaccine phòng bệnh không còn hiệu quả. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có quyết định ngưng tiêm phòng cúm gia cầm H5N1 ở nhiều tỉnh, thành. Đồng Nai là tỉnh không bắt buộc phải tiêm phòng cúm gia cầm nên nguy cơ xảy ra dịch rất lớn.
Trang trại gà giống của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom) áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: HG |
Ông Trần Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Đồng Nai không bắt buộc phải tiêm phòng cúm gia cầm nhưng tỉnh vẫn khuyến cáo người chăn nuôi gà nên tiêm vaccine phòng bệnh vì tỷ lệ bảo hộ đạt trên 70%. Bên cạnh đó, người chăn nuôi chú ý áp dụng các biện pháp phòng dịch, như: vệ sinh, sát trùng chuồng trại sạch sẽ và sử dụng thêm vitamin trong thức ăn cho gà để tăng sức đề kháng. Chi cục Thú y đã phối hợp với các huyện, TX. Long Khánh thực hiện tháng vệ sinh phòng dịch và chỉ đạo lực lượng cộng tác viên ở các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ”.
Ở Đồng Nai, trên 80% tổng đàn gà được chăn nuôi theo dạng trang trại khép kín, do vậy việc phòng dịch khá tốt. Song, đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân không được tiêm phòng cúm H5N1 cộng với công tác vệ sinh phòng dịch kém vẫn là mối lo lớn.
* Để phòng dịch hiệu quả
Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây lan ra diện rộng, nhưng nhiều năm qua ở Đồng Nai đã không để xảy ra dịch. Ông Nguyễn Văn Ân, cán bộ nông nghiệp xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho hay: “Tổng đàn gà của xã khoảng 420 ngàn con, việc phòng dịch được người chăn nuôi rất coi trọng. Để phòng dịch cúm gia cầm hiệu quả, xã vận động người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh, tiêm phòng các bệnh bắt buộc, định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại sạch sẽ. Riêng các trang trại nuôi gà thì hạn chế người ra vào để tránh mang theo dịch bệnh. Khi có gia cầm chết bất thường phải báo với chính quyền xã và cán bộ thú y xác định nguyên nhân để kịp thời phòng trị bệnh. Với cách làm trên, hơn 8 năm qua xã Quang Trung không để xảy ra dịch cúm gia cầm”.
Trại gà đẻ trứng của ông Cường ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. |
Năm 2011, giá trị chăn nuôi của Đồng Nai đạt gần 2.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 34% trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Thống Nhất là huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh và cũng là huyện tập trung nhiều trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ. Đa số các trang trại chăn nuôi ở đây nắm rõ và thực hiện chặt chẽ những quy trình phòng chống dịch. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại gà ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2, nói: “Tôi mở trang trại nuôi gà thịt gần 20 năm, song chưa khi nào để xảy ra dịch bệnh. Kinh nghiệm của tôi là phải thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại từ 2-3 lần/tuần. Gà giống chọn nuôi phải rõ nguồn gốc và quá trình nuôi tiêm đầy đủ các bệnh bắt buộc. Trong khi nuôi, tôi cho gà ăn thêm các loại vitamin, khoáng chất để phát triển khỏe mạnh tăng sức đề kháng”.
Theo ông Trần Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, việc buôn bán, giết mổ gia cầm bừa bãi ven lề đường là một trong các nguy cơ lây lan dịch. Vì thế, các địa phương cần quản lý chặt khâu buôn bán, giết mổ gia cầm. Đặc biệt, TP. Biên Hòa tuy có chỉ đạo cấm chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống nhưng thời gian gần đây tình trạng buôn bán, giết mổ vẫn diễn ra khá nhiều ở các chợ tự phát và một số tuyến đường như : Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc... |
Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, những năm qua, trang trại của anh Sơn đã tránh được dịch bệnh. Từ trang trại nhỏ, hiện anh Sơn phát triển thành trang trại gà lớn của huyện với tổng vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đã nhiều năm nay Đồng Nai không để xảy ra dịch cúm gia cầm là cố gắng của người chăn nuôi. Song, trước tình hình dịch cúm bùng phát nhanh trên diện rộng và đang biến chủng sang dạng mới, đòi hỏi người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt hơn nữa những biện pháp phòng dịch.
Hương Giang