Ban đầu, chỉ cần một nhóm người chiếm lĩnh một góc đường để bán vài món hàng. Nhưng nếu chính quyền địa phương làm lơ thì không bao lâu sau đó, nơi đây biến thành chợ và rất khó giải tán...
Ban đầu, chỉ cần một nhóm người chiếm lĩnh một góc đường để bán vài món hàng. Nhưng nếu chính quyền địa phương làm lơ thì không bao lâu sau đó, nơi đây biến thành chợ và rất khó giải tán...
Đây chính là tình cảnh của rất nhiều khu chợ tự phát, hay còn gọi là chợ “chồm hổm” hiện đang tồn tại ở Đồng Nai, gây không ít khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng chợ theo hướng sạch sẽ, văn minh.
* Đìu hiu chợ Cẩm Mỹ
Khánh thành ngày 27-6-2011, chợ Cẩm Mỹ (xã Long Giao) do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Nhơn Thành đầu tư, kinh phí giai đoạn I là 50 tỷ đồng, được xem là khá bề thế so với vùng quê huyện Cẩm Mỹ. Nằm trên diện tích 3,1 hécta, chợ Cẩm Mỹ được thiết kế loại phố chợ với 110 sạp, 232 ki-ốt trong lồng chợ và 410 ki-ốt ngoài trời. Đến nay, giai đoạn I khu chợ đã gần hoàn chỉnh, chỉ còn 40 sạp chưa xây dựng.
Chợ Cẩm Mỹ hiện nay. Ảnh: T. NGUYÊN |
Ngày đưa chợ vào hoạt động, cả chính quyền địa phương, đơn vị chủ đầu tư và vài chục tiểu thương trước đây bán ở chợ tự phát cách đó không xa đều hy vọng nơi đây sẽ thu hút được người mua. Tuy nhiên, chỉ được vài ngày đầu khách đến chợ khá đông, nhưng sau đó người đi chợ thưa dần và vắng hẳn. Ngay trong dịp Tết vừa qua, chợ Cẩm Mỹ cũng chỉ có lèo tèo vài người khách. Trước tình thế buôn bán ế ẩm, các tiểu thương đã về lại khu chợ “chồm hổm” cũ, buộc ban quản lý phải đóng cửa chợ. Đến nay, chợ Cẩm Mỹ chỉ còn 4 tiểu thương “trụ” lại được, gồm: 1 ki-ốt bán quần áo trẻ em, 2 ki-ốt bán tạp hóa và 1 ki-ốt bán mắt kính. Chủ quầy bán quần áo ngày nào cũng đến để... đọc sách, 3 quầy còn lại mở cho có không khí... chợ. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, chủ ki-ốt bán tạp hóa, đã không giấu được thất vọng khi nghe chúng tôi hỏi về tình hình làm ăn, nhưng vẫn nói vui: “Cắm chân” ở chợ Cẩm Mỹ, dù không kiếm được tiền nhưng bù lại... không vất vả mấy. Ngày nào tôi cũng đem hàng ra bày biện, nhưng chỉ để... ngó, chờ đến tối lại cất vào. Nhưng đã lỡ đầu tư vào đây thì ráng chờ thêm thời gian nữa xem có chuyển biến gì không...”.
Cách chợ Bà Thức chưa đến 1km là khu chợ lề đường (khu phố 11, phường Tân Phong) với hàng trăm sạp, được hình thành khá lâu. Những tiểu thương ở đây ngày trước có vào chợ Bà Thức kinh doanh một thời gian, nhưng vì ế ẩm nên đã quay trở lại chỗ cũ. Thực tế, chính quyền địa phương đã nhiều lần dẹp bỏ, nhưng chỉ được thời gian ngắn đâu lại vào đấy. Tương tự là chợ tự phát ở ngã tư đường Trương Định (khu phố 2, phường Tân Mai - phía trước Trường mẫu giáo dân lập Ngọc Thành), nhiều năm qua, UBND phường đã tổ chức lập lại trật tự ở khu vực này, nhưng khi lực lượng công an, dân phòng rút đi, những người buôn bán tiếp tục ngồi… “chồm hổm” để kinh doanh trên đường. |
Trong khi chợ Cẩm Mỹ đìu hiu thì cách đó chưa đến 1km, khu chợ “chồm hổm” ngày nào cũng hoạt động khá rôm rả. Dù vậy, để giữ cho chợ Cẩm Mỹ sạch đẹp, nơi đây vẫn phải bố trí 2 bảo vệ, một quản lý và một tạp vụ, mỗi tháng chi phí hết vài chục triệu đồng.
* Xử lý chợ “chồm hổm”?
Nói về hoạt động của chợ Cẩm Mỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Huỳnh Tấn Thìn cho rằng, thiết kế khu phố chợ là phù hợp với quy hoạch phát triển trên địa bàn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, do dân cư chưa tập trung, đời sống người dân nơi đây còn khó khăn nên sức mua đối với chợ loại hình này không cao. Trong dịp Tết Nhâm Thìn, huyện tạo mọi điều kiện để tiểu thương vào chợ; đồng thời kêu gọi một số đơn vị kinh doanh, siêu thị nhỏ, hàng bình ổn giá đem hàng về phục vụ dân, thậm chí cho tổ chức hội chợ, tạo không khí vui nhộn, sôi nổi trong những ngày đầu năm. Song, dù đã cố gắng hết mức nhưng hiệu quả lại không như mong muốn. Theo ông Thìn, trong thời gian tới, nhằm giúp nhà đầu tư chợ Cẩm Mỹ tìm hướng ra, huyện sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước, từ đó có thể kêu gọi người dân về sinh sống tập trung ở trung tâm huyện. Mặt khác, ngành chức năng sẽ rà soát, kiểm tra đối với những dự án, mảng dịch vụ đã được giao đất phải tiến hành xây dựng ngay, không thể tồn tại tình trạng “treo” quá lâu. Riêng bến xe gần chợ Cẩm Mỹ, sẽ sớm được triển khai thi công để đến cuối năm có thể hoàn tất.
Để hoạt động chợ nói chung đi vào ổn định, ông Thìn cho biết sẽ xử lý quyết liệt hơn với loại chợ “chồm hổm”, và khẳng định, quy hoạch chợ Cẩm Mỹ trên cơ sở kinh doanh lâu dài. Vì thế, tình hình vắng khách hiện nay không có nghĩa là phá sản.
Chợ tự phát ở KP 11, phường Tân Phong - Biên Hòa hiện nay. |
Không chỉ ở huyện Cẩm Mỹ, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có những khu chợ xây dựng khang trang nhưng hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn, ở Cẩm Mỹ, ngoài chợ Cẩm Mỹ còn có chợ Sông Ray đầu tư 32 tỷ đồng, hoàn thành năm 2006, đến nay chỉ có 10 ki-ốt và 9 sạp còn kinh doanh; ở Định Quán có chợ Phú Tân hiện bỏ hoang; chợ Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) đưa vào sử dụng từ năm 2007 gồm 136 sạp và 44 ki-ốt... Đáng nói là tại Biên Hòa, một số chợ xây xong đã lâu nhưng vẫn đóng cửa, như: chợ Tân Biên (phường Tân Biên), chợ Bà Thức (phường Tân Phong) 168 sạp, đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, loại chợ “chồm hổm” vẫn tiếp tục tồn tại...
Rõ ràng, chợ tự phát luôn hoạt động trong sự nhếch nhác, lộn xộn và mất vệ sinh, nếu không kiên quyết “xóa sổ” thì loại hình này tiếp tục lấn chiếm lòng lề đường, gây khó khăn trong việc đi lại, làm mất mỹ quan đường phố. Bên cạnh đó, khi “điệp khúc” chợ “chồm hổm” cứ mãi tái diễn thì chắc chắn các doanh nghịêp sẽ không dám đầu tư vào lĩnh vực này.
T.Nguyên