Tiềm năng thị trường gỗ mỹ nghệ (GMN) nội địa và xuất khẩu còn rất lớn. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, đồ gỗ do Việt Nam sản xuất được bạn hàng quốc tế ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng thiếu lao động có tay nghề hiện đang là một rào cản cho sự phát triển của ngành này…
Tiềm năng thị trường gỗ mỹ nghệ (GMN) nội địa và xuất khẩu còn rất lớn. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, đồ gỗ do Việt Nam sản xuất được bạn hàng quốc tế ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng thiếu lao động có tay nghề hiện đang là một rào cản cho sự phát triển của ngành này…
Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân cho biết, thiếu lao động đang là khó khăn chung của các cơ sở, doanh nghiệp (DN) trong ngành (GMN) tại huyện Trảng Bom. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thời gian qua, nhiều cơ sở mất những hợp đồng lớn do không đáp ứng được yêu cầu về thời gian giao hàng cho khách.
* Khó thu hút lao động lành nghề
Do GMN là ngành sản xuất đặc thù, công nhân phải mất cả năm học nghề mới thạo việc nên cơ sở nào cũng cần nguồn lao động gắn bó lâu dài. Để có thợ lành nghề, các cơ sở phải chấp nhận tự đào tạo thợ. Nhưng điều này cũng không dễ vì lớp thanh niên bây giờ có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, vì thế họ sẵn sàng… nhảy việc. Theo ông Nhân, Thành Nhân hiện có khoảng 25 lao động. Trong khi đó, để đáp ứng hoạt động sản xuất và phát triển thực tế của đơn vị, cần gấp đôi số lao động hiện có. Tương lai, khi Cụm công nghiệp GMN xã Bình Minh đi vào hoạt động thì nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành này sẽ tiếp tục tăng cao.
Làng mộc mỹ nghệ Xuân Lộc đang khó khăn vì thiếu thợ lành nghề. Ảnh: B. NGUYÊN |
Cơ sở GMN Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, Trảng Bom), chuyên làm tranh ghép gỗ. Tuy quy mô hoạt động chỉ trên 10 lao động nhưng cũng đang gặp phải vấn đề thiếu thợ giỏi. Mặc dù nơi đây thông báo là sẵn sàng nhận lao động phổ thông vào học việc nhưng vẫn không tìm được người đến đăng ký. Chủ cơ sở này cho biết, ngay từ đầu năm, nguyên liệu tăng giá thêm 6%, những đơn hàng khách đặt trước Tết không thể điều chỉnh tăng theo. Vì thế, lợi nhuận giảm nhưng cơ sở vẫn giữ ổn định lương, thưởng để giữ chân thợ. Nhằm sớm hoàn tất những đơn hàng đã ký, ông phải về quê tận ngoài Bắc, tìm người trong họ hàng đưa vào để đào tạo, bổ sung lượng thợ có tay nghề. Tương tự, ông Nguyễn Đức Hồng, chủ cơ sở GMN Đức Hồng (xã Xuân Tâm, Xuân Lộc) nhận xét, khoảng 2 năm trở lại đây, nghề GMN ở Xuân Lộc gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ bàn ghế, tượng từ gốc cây ngày càng thu hẹp; nhiều cơ sở sản xuất cầm chừng, có nơi tạm ngừng sản xuất. Điều này đã làm cho nhiều thợ bỏ nghề tìm việc khác, không ít nghệ nhân giỏi buộc phải đi làm mộc ở vùng xa. Theo ông Hồng, nghề GMN hiện không còn hấp dẫn thanh niên theo học như trước. Vì vậy, làng nghề GMN Xuân Lộc đang mai một vì mất dần lớp thợ lành nghề kế thừa là điều có thật.
* Chủ động tìm giải pháp
Tình trạng thiếu lao động trong ngành GMN dẫn đến thực trạng các cơ sở, DN cùng lĩnh vực thu hút lao động của nhau. Một số DN sẵn sàng trả lương cao hơn để kéo công nhân ở nơi khác về với mình. Nhằm giữ chân lao động, ngoài lương thưởng, nhiều DN đã thể hiện rõ sự quan tâm, chăm sóc đời sống người lao động qua những việc làm cụ thể, như: tổ chức xe đưa rước công nhân, chăm lo bữa ăn, đời sống tinh thần cho thợ GMN.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải bài toán khó về tình trạng thiếu lao động trong ngành gỗ, ông Tạ Đức Văn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hòa Bình cho biết, hiện DN có khoảng 1.400 lao động làm việc. Lượng công nhân này đều do DN tuyển lao động phổ thông tự đào tạo. Do có nhu cầu lao động lớn, Hòa Bình thường xuyên tổ chức tuyển dụng và đào tạo nguồn lao động, chủ động tổ chức nhân sự để hạn chế tình trạng thiếu hụt thợ lành nghề xảy ra vào mùa cao điểm sản xuất. Ngoài ra, DN tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm… Đây chính là giải pháp hiệu quả cho bài toán thiếu nhân lực ngày càng gay gắt hiện nay.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng, cải thiện môi trường lao động, có chế độ lương thưởng tốt cũng là cách giữ chân người thợ. Đối với Thành Nhân, nơi đây luôn ưu tiên tuyển dụng đối tượng lao động tại địa phương, nhất là lớp thợ có tay nghề. Nhằm tăng lượng thợ giỏi gắn bó với nghề, Thành Nhân sẵn sàng nhận đào tạo người khuyết tật và có chính sách lương, thưởng cho đối tượng này như lao động bình thường. Tuy là cơ sở nhỏ nhưng Thành Nhân vẫn thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định Nhà nước khi hợp đồng với người lao động. Lương thợ được tính theo năng suất lao động. Về lâu dài, cơ sở Thành Nhân sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để từng bước tăng năng suất. “Khi nhận những đơn hàng lớn mà thiếu nhân công thực hiện, Thành Nhân vẫn liên kết với một số đơn vị bạn làm gia công các chi tiết. Trảng Bom rất cần hội nghề nghiệp GMN để các cơ sở cùng ngành nghề hợp tác trên tinh thần hỗ trợ nhau phát triển. Nếu thực hiện được điều này, tôi tin rằng sẽ tháo gỡ được vấn đề chung như thiếu lao động hiện nay...” - ông Nhân nói.
Bình Nguyên