Mới đây, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cùng với UBND huyện Thống Nhất tổ chức diễn đàn: “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”. Tại diễn đàn, các nhà khoa học cũng như người chăn nuôi đều lên tiếng về việc sử dụng chất cấm (thuốc kích thích) không mang lại lợi ích kinh tế mà còn có hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cùng với UBND huyện Thống Nhất tổ chức diễn đàn: “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”. Tại diễn đàn, các nhà khoa học cũng như người chăn nuôi đều lên tiếng về việc sử dụng chất cấm (thuốc kích thích) không mang lại lợi ích kinh tế mà còn có hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Thịt để bồi bổ sức khỏe con người, nhưng nếu sử dụng những chất cấm chăn nuôi thì lúc đó thịt trở thành chất độc. Loại thịt đó không chỉ làm hại người sử dụng trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến con cháu sau này” - GS- TS Dương Thanh Liêm, Khoa chăn nuôi Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh nói.
* Tăng trọng theo kiểu… gây nguy hại
Để làm cho con heo tăng trọng nhanh, tăng độ nạc, ít mỡ và có màu thịt đỏ hơn, một số người chăn nuôi đã sử dụng loại phụ gia cấm (phổ biến là Salbutamol, Clenbutarol loại thuốc giãn phế quản dùng cắt cơn hen) trộn vào cám cho heo ăn. Những phụ gia cấm này ngoài những tác dụng kích thích con vật ăn, ngủ nhiều thì còn hấp thu nước làm cho tăng cân nhanh. Đối với những con heo cho ăn quá nhiều chất kích thích thì thịt heo có màu đỏ bầm và không có độ đàn hồi.
Một góc trại heo của anh Vũ Đình Khôi ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Ảnh: V. Nam |
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tồn dư những chất phụ gia này trong thịt có những tác dụng phụ rất nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng, như: rối loạn nhịp tim, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư và gây biến đổi gen ảnh hưởng cả tới di truyền. Ông Liêm cho biết, nếu ăn thịt có tồn dư chất độc hại từ chăn nuôi, về lâu dài người sử dụng bị những hội chứng: tim đập nhanh, hồi hộp rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch. Nhiều chất còn gây ra các bệnh về thần kinh, dễ chán nản, hại tuyến yên, suy yếu kháng thể... Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, cho rằng tác hại của những chất này còn có khả năng làm ngộ độc cấp tính; rối loạn chức năng sinh lý bình thường, huyết áp tăng.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam: “Khi mua thịt, người tiêu dùng không nên chọn những miếng thịt heo quá đỏ, nạc sát da, không có độ đàn hồi (dùng tay ấn vào thịt bị trũng xuống, khi bỏ tay ra thịt không trở lại hình dạng ban đầu) và thịt bị chảy nước. Đó là loại thịt có sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi”. |
Cũng theo các nhà khoa học, Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.
* Lãi ảo
Theo tính toán của Hiệp hội chăn nuôi, việc sử dụng chất cấm để nuôi heo mặc dù bán được giá cao nhưng thực tế lại không có lãi. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hôi chăn nuôi, phân tích: Mỗi ký heo bình thường hiện có giá khoảng 46 ngàn đồng, thấp hơn 2 ngàn đồng so với loại heo được sử dụng chất kích thích. Như vậy, 1 tấn heo giá sẽ thấp hơn khoảng 2 triệu đồng. Thế nhưng, nếu sử dụng chất kích thích cứ nghĩ heo tăng trọng nhưng thực tế lại bị chậm lớn hơn bình thường. Mỗi con heo 1 tạ giảm khoảng 5kg. Tính ra số tiền bị mất do heo sụt ký tới 2,3 triệu đồng/ tấn, cộng thêm khoảng 130 ngàn đồng tiền thuốc kích thích thì người nuôi mất trên 2,4 triệu đồng. Việc nuôi heo sử dụng thuốc kích thích tưởng lãi nhưng là bị lỗ. Bên cạnh đó, loại heo sử dụng thuốc kích thích thường hay bị gãy chân hoặc chết bất tử...
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai: “Nhu cầu của thị trường đòi hỏi loại thịt heo quá nạc nên tạo “đất” cho loại thuốc cấm này phát triển mạnh. Thuốc kích thích làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, nhất là về sản xuất giống. Nhà sản xuất giống phải bỏ ra số tiền lớn để nhập về những giống heo có độ nạc cao, trong khi phải cạnh tranh không công bằng với loại heo sử dụng chất cấm. Theo tôi, những trường hợp sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi phải được cơ quan quản lý xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ chăn nuôi một thời gian”. |
Nhiều người chăn nuôi ở huyện Thống Nhất cũng đã thấy được tác hại từ thuốc kích thích tăng trọng. Chị Nguyễn Thị Tuyền ngụ tại xã Gia Tân 2 cho biết, thời gian trước một số thương lái đưa thuốc đến nói chị trộn vào cám ở tháng cuối để heo không bị xổ mỡ bán được giá hơn. Sau khi tìm hiểu, chị đã không sử dụng do thấy không có lãi mà còn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Bà Lưu Thị Nhị, một người chăn nuôi ở xã Quang Trung, cho hay trại heo của bà tuyệt đối không sử dụng đến các chất cấm để chăn nuôi. Bà còn vận động cả những người thân nuôi heo không sử dụng đến chất này.
Gần 160 chủ trại, chủ cơ sở chăn nuôi ở huyện Thống Nhất tham dự diễn đàn “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” đã cam kết với Hiệp hội chăn nuôi và chính quyền địa phương không sử dụng thuốc kích thích để nuôi heo.
Vân Nam