Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng

10:02, 17/02/2012

Mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) xã Tà Lài, huyện Tân Phú được đánh giá có tính khả thi rất cao. Mô hình này hiện do Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài, gồm các tổ viên là bà con đồng bào dân tộc ít người của xã và Công ty Viet Adventure (TP.Hồ Chí Minh) liên kết cùng khai thác…

Mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) xã Tà Lài, huyện Tân Phú được đánh giá có tính khả thi rất cao. Mô hình này hiện do Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài, gồm các tổ viên là bà con đồng bào dân tộc ít người của xã và Công ty Viet Adventure (TP.Hồ Chí Minh) liên kết cùng khai thác…

Phụ nữ dân tộc Tày mời du khách món bánh Khảo.  Ảnh: B.N
Phụ nữ dân tộc Tày mời du khách món bánh Khảo. Ảnh: B.N

Viet Adventure là một công ty nước ngoài chuyên nghiệp, có uy tín trên thế giới về tổ chức du lịch thể thao, mạo hiểm. Theo kế hoạch, mô hình DLCĐ xã Tà Lài sẽ đón trung bình mỗi năm khoảng 4.500 khách nước ngoài.

* Khám phá du lịch cộng đồng

DLCĐ xã Tà Lài vừa chính thức khai trương hoạt động cùng với việc khánh thành Nhà đón tiếp khách du lịch cộng đồng Tà Lài (người địa phương quen gọi Nhà dài), huyện Tân Phú. Nhà dài được xây dựng theo kiến trúc của người Mạ, nằm trên một quả đồi bên đập thủy lợi Vàm Hô, sát cánh rừng nguyên sinh của VQG Cát Tiên. Từ đầu hồi của Nhà dài, khách có thể ngắm được cảnh hồ thơ mộng bao bọc xung quanh là những đồi cây xanh ngát. Phía trước Nhà dài là khoảng sân rộng hai bên rợp mát cây xanh. Thiết kế của khu nhà này khá đơn sơ, bằng những nguyên liệu thiên nhiên, như: mây, tre, lá ké... Khách có cơ hội tìm hiểu lịch sử và văn hóa làng bản của người dân tộc Mạ, S’Tiêng, Tày; tham gia sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, nghe cồng - chiêng, xem những điệu múa, bài hát truyền thống của đồng bào dân tộc; được thưởng thức nhiều món ăn đậm đà bản sắc địa phương, như: rượu cần, cơm lam, canh bùi, lá nhíp, uống loại rượu làm từ men các loại vỏ, lá cây rừng của người Tày. Để khám phá núi rừng, hướng dẫn viên du lịch người dân tộc sẽ đưa du khách đi thăm rừng, tận mắt quan sát và nghe giới thiệu về sự đa dạng của thực vật, trong đó có rất nhiều loài cây thuốc, rau rừng gắn bó với người dân nơi đây.

Ông Jean-Luc VOISIN, Giám đốc Công ty Viet Adventure, cho biết: “Vừa qua chúng tôi đã tổ chức cho một nhóm học sinh người Anh tham gia DLCĐ về Tà Lài. Các em được trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân địa phương và rất thích thú khi được học cách làm vườn, trồng cây. Nói chung, du khách có thể tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm, đan lát, rèn sắt… của cư dân. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức nhiều mô hình du lịch thể thao thám hiểm rừng Cát Tiên, như: chạy bộ đường rừng, đạp xe vượt địa hình, vượt sông…”.

* Cộng đồng tham gia phát triển du lịch

Theo ông Phạm Hữu Khánh, điều phối viên Dự án phát triển sinh thái VQG Cát Tiên, đây là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam được WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên - Đan Mạch) chọn đầu tư thí điểm mô hình giúp dân vùng ven làm du lịch. Dự án được triển khai tại 3 xã: Nam Cát Tiên, Đắk Lua và Tà Lài (huyện Tân Phú). Mục đích là tạo sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các điểm nóng vùng ven rừng, từng bước giảm dần nguy cơ xâm hại VQG Cát Tiên - Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông Khánh cho biết, Tổ hợp tác du lịch sinh thái là mô hình điểm của Việt Nam về sự hợp tác giữa cộng đồng và doanh nghiệp. Tổ được sở hữu tài sản, có tư cách pháp nhân để điều hành các hoạt động du lịch ở địa phương và được hưởng lợi tức từ các dịch vụ DLCĐ. Cụ thể, như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa dân tộc... Công ty Viet Adventure có vai trò trong việc tiếp thị thu hút khách, xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch, tham gia quản lý và đào tạo nhân viên. Một phần lợi nhuận khai thác du lịch sẽ dành cho Quỹ hỗ trợ cộng đồng để giúp đỡ trẻ em nghèo, người già neo đơn, làm các công trình công cộng tại địa phương…

Thời gian qua, dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tộc địa phương về kỹ năng phục vụ du lịch, như: biểu diễn cồng - chiêng, múa hát dân tộc; hướng dẫn lễ tân - phục vụ buồng, nấu ăn; kỹ năng hướng dẫn du lịch, thí điểm mô hình trồng rau sạch… giúp đồng bào dân tộc hiểu biết và tự tin hơn khi làm DLCĐ. Dự án khai thác tiềm năng tự nhiên kết hợp với các yếu tố văn hóa địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nhằm mang lại những nguồn lợi thiết thực đến cho cộng đồng. Được biết, mỗi năm VQG Cát Tiên đón khoảng 25 ngàn lượt khách tham quan, trong đó xu hướng du khách nước ngoài tìm đến đây ngày càng đông. Mục tiêu cụ thể của dự án là hàng năm thu hút tối thiểu 30% khách của VQG Cát Tiên tham gia DLCĐ.

* Ông Jean-Luc VOISIN, Giám đốc Công ty Viet Adventure chia sẻ, chúng tôi luôn mong muốn được tham gia vào những dự án bảo vệ môi trường. Tôi hy vọng sự kiện con tê giác Java cuối cùng chết tại VQG Cát Tiên sẽ không xảy ra với bất kỳ động, thực vật quý hiếm khác ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Tất cả các hoạt động DLCĐ xã Tà Lài đều tôn trọng môi trường tự nhiên ở địa phương. Mục tiêu liên kết thực hiện mô hình DLCĐ nhằm khai thác du lịch hiệu quả, tạo lợi nhuận để có thể phát triển mô hình này bền vững, góp phần mang lại sự phồn thịnh cho cộng đồng các dân tộc địa phương.

* Ông Lê Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lữ hành du lịch Sinh Ba Lô (TP.Hồ Chí Minh), góp ý: Để tăng tính đa dạng về sản phẩm du lịch và thu hút được khách nước ngoài đến VQG Cát Tiên, nơi đây nên đưa vào khai thác trở lại những tuyến đi đường dài bằng xe đạp vượt địa hình, như: Vĩnh Cửu - Tà Lài (50km, đi xuyên qua khu bảo tồn voi); Tà Lài - Bàu Sấu (25 km), khách có thể đi dọc thác suối ở Bàu Sấu, bắt cá sấu con lên chụp hình… Ngay cả mùa mưa, việc lặn lội bùn lầy, băng rừng, lội suối sẽ kích thích du khách tham gia; thậm chí quy định thời gian “vượt tuyến” để mọi người thi đua… là những yếu tố tạo sức hấp dẫn với khách nước ngoài đến Cát Tiên. Khai thác được những tuyến đi trên sẽ tăng thời gian lưu trú của khách tại đây, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động của các dịch vụ và sản phẩm du lịch cộng đồng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích