Làm thế nào khai thác thị trường bán lẻ ở khu vực miền Đông Nam bộ (ĐNB), khu vực dẫn đầu về quy mô trong cả nước đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao quan tâm...
Làm thế nào khai thác thị trường bán lẻ ở khu vực miền Đông Nam bộ (ĐNB), khu vực dẫn đầu về quy mô trong cả nước đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao quan tâm...
Điều này được các DN và lãnh đạo ngành công thương 5 tỉnh miền ĐNB, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước cùng nhìn nhận trong hội thảo “Tìm cơ hội phát triển thị trường miền Đông” diễn ra vào ngày 14-2 vừa qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Thị trường chưa khai thác hết
Một báo cáo khá công phu về thị trường bán lẻ các tỉnh miền ĐNB đã được Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) công bố trong hội thảo. Qua đó cho thấy, thị trường ở khu vực ĐNB có quy mô lớn, song nhìn chung hàng Việt chưa thực sự “bám rễ” tốt.
Chọn mua hàng Việt Nam tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Đồng Nai năm 2011. |
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010, tổng mức bán lẻ tại khu vực ĐNB sơ bộ đạt trên 162 ngàn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức bán lẻ cả nước. Trong đó, Bình Dương và Đồng Nai dẫn đầu, tiếp đến là Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cuối cùng là Bình Phước. Năm 2011, địa phương đi đầu về tổng mức bán lẻ là Đồng Nai, đạt trên 71 ngàn tỷ đồng, dự kiến năm 2012 tổng mức bán lẻ sẽ nâng lên 87 ngàn tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2011. Bình Phước tuy về sau cùng nhưng vẫn đạt trên 15 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2010.
Đến nay, tại 5 tỉnh miền Đông đã có 501 chợ truyền thống, 40 siêu thị và trung tâm thương mại, 8 chợ đầu mối, cùng 45 chợ biên giới đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, tiềm năng dù tốt, song chưa nhiều DN Việt Nam phát triển được một hệ thống phân phối rộng khắp và bền vững tại thị trường này. Ông Vũ Quốc Chinh, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp BSA cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, thị trường ở khu vực ĐNB vẫn có nhiều thách thức. Chẳng hạn, hệ thống phân phối truyền thống ít được quan tâm, nâng cao chất lượng. Tại một số địa phương, tình hình suy yếu của hệ thống phân phối các mặt hàng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Ngoài ra, hoạt động của các DN trong nước tự thiết lập chưa đủ mạnh, chưa có những thương hiệu lớn góp mặt trên thị trường. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa có chất lượng trung bình và cao cấp lẫn lộn nên không định vị được khách hàng. Với hệ thống cửa hàng và đại lý của các DN nhỏ sản xuất “tự sản tự tiêu” thì chủ yếu bán lẻ, chưa hiện đại, chưa thể cạnh tranh với các cửa hàng chuyên nghiệp.
* Kinh nghiệm từ nhà bán l ẻ…
Nhận định về thị trường ĐNB, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, để có thể thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cũng là điều các nhà bán lẻ nên quan tâm. Ví dụ, khi mở Co.op Mart Biên Hòa vào năm 2007, nghiên cứu riêng của Saigon Co.op chỉ ra rằng người dân Biên Hòa chỉ đi siêu thị từ 1-2 lần/tháng, song đến năm 2010, đã tăng lên 4 lần/tháng. Hiện tại, 63% khách hàng được hỏi thì có đến 52% cho biết mua sắm tại siêu thị từ 5 - 8 lần/tháng, còn lại trên 4 lần/tháng. Theo đó, DN bán lẻ hoàn toàn có cơ hội mở rộng thị trường thêm tại các tỉnh ĐNB, bởi ngoài tập quán mua hàng ở chợ, thói quen mua sắm hiện đại đang phát triển ngày một nhanh, đặc biệt ở các đô thị. Theo ông Nhân, từ nay đến năm 2015, Saigon Co.op dự tính sẽ nâng tổng số siêu thị trên toàn quốc lên 100, trong đó tập trung chú ý thị trường miền Đông, đồng thời phát triển song song hệ thống cửa hàng Co.op.
Khách mua hàng tại BigC Đồng Nai. Ảnh: V. LÂM |
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành BigC Miền Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống bán lẻ tại thị trường ĐNB. Hệ thống siêu thị này hiện đang sở hữu 18 “đại siêu thị” tại Việt Nam với cơ cấu hàng hóa lên đến trên 50 ngàn mặt hàng. Ông Hải cho biết, kinh nghiệm của BigC khi phát triển hệ thống siêu thị, là gắn kết với DN địa phương. Ở khu vực ĐNB, rất nhiều DN sản xuất lớn và nhỏ đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa thường xuyên, hoặc hợp tác với BigC ở khía cạnh sản xuất các nhãn hàng riêng. BigC hàng năm còn xuất khẩu một lượng lớn hàng Việt ra nước ngoài, chủ yếu là hàng tiêu dùng, gia dụng. Mặt khác, DN thường xuyên gắn kết với các nhà sản xuất trong nước và hỗ trợ cho nhà sản xuất nhỏ địa phương là cách mà BigC áp dụng để tăng sự phong phú cho hàng hóa, đồng thời có được giá rẻ cho người tiêu dùng.
Vi Lâm