Công văn 8844 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuối năm 2011 tưởng có thể phần nào gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) bằng việc “nới” việc vay vốn cho người mua nhà. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngân hàng (NH) vẫn rất e dè với các khoản vay này. Điều này khiến một số doanh nghiệp (DN) BĐS phải tìm cách hỗ trợ cho chính người mua để giải quyết đầu ra cho dự án.
Công văn 8844 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuối năm 2011 tưởng có thể phần nào gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) bằng việc “nới” việc vay vốn cho người mua nhà. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngân hàng (NH) vẫn rất e dè với các khoản vay này. Điều này khiến một số doanh nghiệp (DN) BĐS phải tìm cách hỗ trợ cho chính người mua để giải quyết đầu ra cho dự án.
Hiện tại, lãi suất của nhóm NH thương mại có vốn nhà nước lớn đã giảm xuống khá nhiều so với cuối năm 2011, tuy nhiên, nhiều NH thẳng thừng cho biết chỉ giải quyết cho nhu cầu sản xuất - xuất khẩu là chủ yếu, không khuyến khích cho vay BĐS, dù là vay mua nhà để ở.
* Không khuyến khích vay
Theo công văn 8844, trong 4 nhóm vay BĐS được ra khỏi các khoản vay phi sản xuất có nội dung vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay. Tuy nhiên, bước vào năm 2012, NHNN đã phân loại tăng trưởng tín dụng cho hàng loạt NH, lãi suất ở các NH lớn đã giảm, vốn không thiếu, song vì nhiều lý do, nhiều NH vẫn rất e dè với các khoản vay mua nhà. Một số NH lớn không từ chối các khoản vay mua nhà, song người vay sẽ phải chấp nhận nhiều điều khoản để có thể tiếp cận được, chưa kể lãi suất vẫn cao. Riêng nhóm NH nhỏ, hai rào cản lớn nhất vẫn là lãi suất luôn từ 20% trở lên, cộng thêm nhiều NH không còn nguồn cho vay trung - dài hạn.
Khách hàng xem thông tin sản phẩm của V-Citilight. Ảnh: V. Lâm |
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Đồng Nai cho biết, SHB không từ chối cho khách hàng vay mua nhà ở, song buộc phải chứng minh thu nhập cao và chấp nhận lãi suất cao. Tuy nhiên, thực tế hiện tại SHB không còn nguồn vốn cho các khoản vay trung - dài hạn, chỉ còn nguồn ngắn hạn tập trung cho sản xuất - xuất khẩu. Tương tự, đại diện SeaBank tại Đồng Nai cũng khẳng định, NH này chủ trương dành trọn vẹn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2012 cho sản xuất - xuất khẩu. Riêng về vay mua nhà ở, các điều kiện tiếp cận là khá khó khăn. Mặt khác, trong quý này, SeaBank chỉ cho vay mua nhà đối với nhân viên của 2 tập đoàn là đối tác chiến lược của SeaBank với các điều kiện nhất định, chưa có chủ trương mở rộng ra ngoài.
* Doanh nghiệp bất động sản tìm cách gở
Thị trường căn hộ của Đồng Nai tuy chưa giảm giá mạnh như TP. Hồ Chí Minh do nguồn cung có hạn, song hiện tại, nhiều DN BĐS cũng đang tìm kế tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người mua nhà bằng nhiều cách nhằm bán được hàng.
Ông Võ Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát cho biết: Ngoài việc cam kết chất lượng sản phẩm và tiến độ bàn giao đúng hoặc sớm hơn kế hoạch, doanh nghiệp phải đưa ra các chính sách ưu đãi về giá và phương thức thanh toán để hỗ trợ khách hàng. |
Ông Võ Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư-kiến trúc-xây dựng Toàn Thịnh Phát cho rằng, năm 2012 thị trường BĐS vẫn trong giai đoạn trầm lắng, nhiều DN buộc phải thu hẹp hoạt động để chờ thời cơ. Tuy nhiên, Toàn Thịnh Phát vẫn đưa sản phẩm ra thị trường bởi nhiều lý do, trong đó có việc các dự án được cân nhắc rất kỹ về vị trí, giá cả và nhắm đến đối tượng khách hàng là cán bộ công chức, người có thu nhập cao tại Biên Hòa, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Đồng Nai... để nâng cao tính thanh khoản của dự án. Theo đó, tại Đồng Nai, Toàn Thịnh Phát đã và đang chào bán 2 dòng sản phẩm của dự án The Pegasus Plaza (phường Quyết Thắng) và làng biệt thự khép kín The Pegasus Residence (phường Long Bình Tân).
Về việc hỗ trợ người mua, ông Lâm cho biết, ngoài việc cam kết chất lượng sản phẩm và tiến độ bàn giao đúng hoặc sớm hơn kế hoạch, DN phải đưa ra các chính sách ưu đãi về giá và phương thức thanh toán. “Trong thời điểm tiếp cận vốn mua nhà khó khăn, chúng tôi đưa ra nhiều phương thức thanh toán linh hoạt cho khách hàng lựa chọn, trong đó thời gian thanh toán làm nhiều đợt, kéo dài 5-10 năm. Mặt khác, khách hàng vay tín chấp tại ngân hàng có thể thế chấp đến 70% giá trị căn nhà” - ông Lâm cho biết.
Tương tự, ông Thái Khắc Hoàng, Giám đốc kinh doanh Công ty Việt Thuận Thành - DN đầu tư dự án V-Citilight tại phường Hố Nai, TP. Biên Hòa cho biết, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, lãi vay ngân hàng đang ở mức cao, Việt Thuận Thành hỗ trợ cho khách hàng 40% giá trị căn hộ thông qua hoạt động hỗ trợ lãi suất vay trong 18 tháng, thanh toán linh hoạt bằng nhiều đợt, mặt khác thiết kế thêm các chương trình quà tặng kèm có giá trị cho khách mua nhà... Dự kiến, đầu tháng 3, DN này sẽ chào bán khoảng 100 căn hộ và đối tượng khách hàng “nhắm” đến là lãnh đạo các DN nước ngoài đang làm việc tại các KCN tỉnh Đồng Nai. “Một đối tượng tiềm năng là khoảng hơn 2.000 chuyên gia Nhật Bản đến Đồng Nai thi công dự án sân bay quốc tế Long Thành. Hiện chúng tôi đã làm việc gần như xong với đối tác Nhật Bản xây dựng sân bay Long Thành và các chuyên gia, kỹ sư của công ty này sẽ thuê căn hộ V-Citilight để ở trong thời gian thi công sân bay, dự kiến khởi công đầu 2013” - ông Hoàng nói.
Vi Lâm