Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao rau an toàn chỉ dừng lại ở mô hình?

09:02, 22/02/2012

Mỗi năm, nông dân Đồng Nai sản xuất trên 13 ngàn hécta rau ăn lá, ăn quả. Song, chất lượng rau vẫn còn là bài toán đang tìm lời giải.

Mỗi năm, nông dân Đồng Nai sản xuất trên 13 ngàn hécta rau ăn lá, ăn quả. Song, chất lượng rau vẫn còn là bài toán đang tìm lời giải.

Đồng Nai có diện tích gieo trồng rau khá lớn. Hàng năm, nông dân cung cấp ra thị trường gần 200 ngàn tấn rau ăn lá, ăn quả. Nhiều nơi trong tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh rau lớn như các huyện: Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất... Nhưng đến nay chỉ có 1 hợp tác xã rau Trảng Dài ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) được cấp Chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) với diện tích gần 10 hécta. Con số này quá nhỏ so với diện tích rau toàn tỉnh.

* Giá cả quyết định

Thời gian qua, các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân trồng rau theo phương pháp sản xuất rau an toàn, đồng thời khuyến cáo chỉ dùng các loại thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly. Nhiều nông dân mặc dù đã nắm được quy trình trồng rau an toàn nhưng vẫn chưa dám sản xuất đại trà. Bà N.T.L. ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cho hay: “ Tôi trồng rau hơn 20 năm và cũng vài lần tham gia lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn. Nhưng rau an toàn có mẫu mã thường không đẹp, thương lái chê, mua giá thấp. Do đó, để bán được rau, tôi phải dùng phân hóa học”.

Sản xuất rau ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất. Ảnh: H. GIANG
Sản xuất rau ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất. Ảnh: H. GIANG

Không ít nông dân ở các vùng trồng rau trong tỉnh cũng thừa nhận đã dùng khá nhiều phân ure, thuốc trừ sâu loại độc hại để phun cho rau ăn lá, ăn quả. Còn thời gian cách ly từ khi phun thuốc đến khi bán ra ít được nông dân tuân thủ theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đặc biệt là các loại rau ăn lá, ăn quả sống, như: xà lách, rau diếp, các loại rau thơm, dưa leo…

Các chợ nên có quầy bán rau an toàn

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, để người tiêu dùng được sử dụng rau an toàn, các chợ cần có các quầy bán rau an toàn, sau đó vận động người tiêu dùng từ chối rau quả không rõ nguồn gốc. Rau trước khi ăn phải rửa sạch và ngâm lâu trong nước có thể giảm 80% vi sinh. Khi nấu rau nên mở nắp xoong sẽ giảm một phần lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Vũ Văn Vương, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Trường An ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết:  “Sản xuất rau sạch đòi hỏi nhiều quy trình khắt khe, ghi nhật ký đồng ruộng, sử dụng phân sinh học có độ độc thấp, đảm bảo thời gian cách ly trước khi bán, có nhà sơ chế. Song, giá bán rau an toàn chỉ ngang rau không rõ nguồn gốc. Vì thế, nhiều nông dân trồng rau không chú ý đảm bảo chất lượng”.

* Khó thực hiện

Những bất cập về quản lý chất lượng sản xuất rau quả đã được nhiều lần đề cập đến, nhưng hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu vì không có đầu ra ổn định nên nông dân không mặn mà với sản xuất rau an toàn. Do đó, số lượng câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn chỉ tính trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng rau mới chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo, nhắc nhở người trồng.

Rau cần được trồng ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.
Rau cần được trồng ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nhận xét: “ Mỗi năm chi cục tổ chức 2-3 đợt lấy mẫu rau ở các huyện, thị, thành để kiểm tra chất lượng và khuyến cáo đến người trồng. Tỷ lệ các mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép xấp xỉ 20% và từ năm 2007 đến nay chỉ giảm gần 1%. Với các mẫu rau có lượng thuốc vượt mức cho phép, chi cục chỉ nhắc nhở, chưa có biện pháp xử lý về mặt hành chính. Vì vậy, việc cải thiện chất lượng rau chủ yếu dựa vào công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nông dân”.

Hiện nay, Đồng Nai đã phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Mục đích của đề án này là nhằm tạo ra các vùng chuyên canh rau quả an toàn lớn có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn. Tuy nhiên, đề án chỉ tập trung khâu tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng chế biến. Trong khi để có rau an toàn, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều