Hơn 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông lớn tuổi ngồi chiên và bán đậu hũ tại khu chợ nhỏ gần đường Phạm Văn Thuận, đối diện khách sạn Đồng Nai đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Đó là ông Nguyễn Văn Ẩn, năm nay trên 60 tuổi.
Hơn 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông lớn tuổi ngồi chiên và bán đậu hũ tại khu chợ nhỏ gần đường Phạm Văn Thuận, đối diện khách sạn Đồng Nai đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Đó là ông Nguyễn Văn Ẩn, năm nay trên 60 tuổi.
Bán đậu hũ, việc hàng ngày của ông Ẩn trong 20 năm qua. Ảnh: B. Nguyên |
Nói về quá trình gắn bó với khu chợ này, ông Ẩn kể, thời thanh niên ông chuyên chạy xe lam rồi buộc phải bỏ nghề khi phương tiện này không được lưu thông trên các tuyến đường trong thành phố. Khi đến tuổi trung niên, chẳng biết làm gì nên ông quay sang nghề bán đậu hũ. Lý do rất đơn giản vì gia đình nhà vợ có nghề truyền thống làm món ăn này. Mỗi ngày ông phụ vợ sản xuất đậu hũ và mỗi sáng hai vợ chồng cùng ra chợ, ông bán ở khu chợ nhỏ gần nhà, bà thì bán tại chợ Tân Phong. Dù là đàn ông, nhưng ông Ẩn bắt nhịp rất nhanh với công việc buôn bán, nơi đa phần là các bà, các cô tiểu thương. Thực ra, ông Ẩn có “duyên” với chợ từ khi học lớp 5. Dạo ấy, trò Ẩn thường xuyên túc trực ở chợ để phụ mẹ bán chè, bán nước. Theo ông Ẩn, thời gian trước bán hàng thuận lợi hơn bây giờ, chính vì vậy, hai vợ chồng chỉ làm và bán đậu hũ vẫn dư dả nuôi được mấy người con trưởng thành. Bây giờ lớn tuổi, vợ ông đã nghỉ làm đậu hũ nhưng cả hai vẫn gắn với việc bán mặt hàng này. Nghĩ về một quãng đời bán đậu hũ, ông Ẩn trầm ngâm nói: “Thấm thoát đã 20 năm tôi ngồi ở chỗ này. Nhanh thật, nhìn lại mình đã thành... ông cụ”..
Trung bình mỗi ngày ông Ẩn bán được khoảng 200 miếng đậu, trừ chi phí cũng lời được 5-7 chục ngàn đồng, đủ lo cho mình nên không làm phiền đến con cái. Sau 20 năm có mặt tại chợ suốt từ sáng đến phiên chợ chiều, già Ẩn cứ thủng thẳng ngồi chiên đậu và lấy hàng cho khách. Việc bình dị ấy của ông dường như đã thành thói quen, cho nên mỗi khi vắng mặt người bán đậu hũ già, nhiều bạn hàng cảm thấy thiếu thiếu. Dù lớn tuổi, công việc buôn bán với ông Ẩn rất nhẹ nhàng vì được chủ động, thoải mái về thời gian.
Bình Nguyên