Lâu lắm tôi mới có dịp về lại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu để tìm hiểu việc thực hiện mô hình GlobalGAP và VietGAP trên cây bưởi đặc sản. Đi cùng tôi là Huỳnh Minh Thuận, cán bộ phụ trách kinh tế - kỹ thuật hạ tầng xã.
Lâu lắm tôi mới có dịp về lại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu để tìm hiểu việc thực hiện mô hình GlobalGAP và VietGAP trên cây bưởi đặc sản. Đi cùng tôi là Huỳnh Minh Thuận, cán bộ phụ trách kinh tế - kỹ thuật hạ tầng xã. Anh nói:
- Cháu dẫn cô đến nhà bà Lê Thị Châu, một trong 11 hộ đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Có khách, bà Lê Thị Châu từ ngoài vườn bưởi trở vào. Chủ, khách làm quen rồi cùng ngồi trên sàn nhà, nhìn ra vườn bưởi. Dưới tán bưởi lòa xòa, đất vườn ánh lên sắc nâu đen, trông màu mỡ lạ lùng.
Bà Lê Thị Châu bên cây bưởi rất ít trái do thất mùa. |
- Nhà tôi có 6 sào bưởi. Tôi chia cho các con, chỉ để lại một ít thôi.
Bà Châu nói với tôi như vậy, rồi quay qua Thuận, bà than:
- Năm nay bưởi thất mùa. Mọi năm thu tới cả chục thiên bưởi mà năm nay chỉ thu được chừng ba thiên (mỗi thiên 1.200 trái). Nguyên nhân là do nước Nhật bị động đất, sóng thần, các lò phản ứng hạt nhân thải khí độc ra, nên bưởi không đậu trái được...
Câu nói hồn nhiên của bà Châu khiến tôi bật cười. Người phụ nữ nông dân chất phác này nghe những lời đồn thổi vô căn cứ của ai đó đã tin là thật. Bà khoe từng ra tận Hà Nội tham dự hội chợ, bưởi của bà bán đắt như tôm tươi.
Nghe bà Châu nói vanh vách về tiêu chuẩn VietGAP của bưởi Tân Triều, tôi thấy có cái gì đó thật kỳ diệu. Người phụ nữ nông dân “đời cũ” này xem ra rất quen với sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Đó chính là cái mới rất đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp của ta. Bà Châu chia sẻ:
- Trồng bưởi cực lắm. Ba giờ sáng phải dậy để tưới. Không đủ nước tưới là thất thu liền.
“Tiếp tục đổi mới, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với nguyên tắc tổ chức của hợp tác xã và cơ chế thị trường; hỗ trợ kinh tế tập thể về đào tạo cán bộ quản lý, lao động; tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn; hợp tác xã phải làm tốt các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...” (Trích Nghị quyết số 26-NQ/TW) |
Thì ra, trồng bưởi cũng lắm công phu, vì giống bưởi càng ngon càng đỏng đảnh như cô gái đẹp khó chiều. Phân bón phải đạt tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định cho cây có múi. Các khâu chọn giống, kỹ thuật thiết kế vườn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong khâu chăm sóc, công tác bảo vệ thực vật, thậm chí xây hồ chứa nước thải, làm nhà kho, hố xí cũng phải đạt chuẩn. Như vậy là để có những trái bưởi sạch, đạt chuẩn VietGAP thì trước tiên, người trồng cũng phải “đạt chuẩn”, phải thay đổi nếp sống, thói quen lạc hậu để ngày càng văn minh, tiến bộ.
Rời nhà bà Lê Thị Châu, chúng tôi tới nhà anh Ngô Văn Thân - Phó chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ - thương mại Tân Triều. Trò chuyện với Thân, nhìn gương mặt sạm nắng trầm tư của anh, tôi nhận thấy ngay anh là người rất tâm huyết và đang mất ăn mất ngủ với cây bưởi, cùng tương lai của cái hợp tác xã còn nhỏ bé, non yếu cả về tiềm lực kinh tế lẫn năng lực cạnh tranh. Hợp tác xã dịch vụ - thương mại Tân Triều thành lập năm 2009 với 21 thành viên, giờ còn lại 20. Vốn điều lệ của hợp tác xã là 10.000.000 đồng/hộ, tổng cộng trên 1 tỷ đồng, xã viên góp trước 50%...
- Vì sao người dân chưa mặn mà với hợp tác xã? - Tôi băn khoăn.
Thân im lặng một lúc mới trả lời:
- Vì bà con mình thích tự do, không bị gò bó, nhất là không phải theo dõi, ghi chép vào sổ sách gì cả.
Thì ra, người dân chưa nhiệt tình tham gia hợp tác xã và các mô hình vì còn tính toán hơn thua và ngại phải... khép mình vào kỷ luật. Nông dân ta vốn có tập quán sản xuất, canh tác theo thói quen, kinh nghiệm tích lũy từ nhiều đời, nay phải theo dõi, ghi chép tỉ mỉ hàng ngày đối với nhiều hộ là một cực hình.
- Hợp tác xã của anh làm gì để hỗ trợ bà con?
- Chúng tôi giúp cây giống. Trước nay, bà con vẫn mua cây giống trôi nổi trên thị trường nên chất lượng thấp, cây nhiều bệnh. Nay hợp tác xã lo cây giống sạch bệnh rồi, bà con đỡ vất vả. Hôm nay chúng tôi đang chiết cành để bà con có giống đem trồng.
Theo anh Thân, Hợp tác xã dịch vụ Tân Triều ít xã viên nên mới chỉ có những hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhỏ lẻ.
Tôi kể cho Thân nghe chuyện bà Châu than năm nay bưởi thất mùa do ảnh hưởng của... động đất, sóng thần bên Nhật. Anh mỉm cười:
- Làm gì có chuyện đó. Sản xuất nông nghiệp của mình còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa thì trúng, còn năm nào thời tiết mưa nắng bất thường sẽ ảnh hưởng không tốt đến năng suất, chất lượng. Như năm nay, đang nắng chang chang thì ông trời chơi khăm, trút xuống vài trận mưa trái mùa. Các vườn bưởi nhất loạt ra hoa. Bà con đập cho hoa rụng, chờ cây ra hoa đợt khác may ra trúng vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng tới tháng ba, mưa tiếp, bưởi lại ra hoa, lại đập bỏ. Cứ vậy mà có vườn bưởi không còn hoa, không cho trái. Một số hộ bị sâu đục vỏ trái bưởi, đành vứt bỏ cả vườn.
Tôi hiểu tâm tư của Thân và người trồng bưởi Tân Bình. Tạo hóa hào phóng ban tặng vùng đất này giống cây quý nhưng để cây bưởi bám trụ vững chắc, cho ra trái ngọt lành cũng phải đánh đổi bao nhiêu công sức, trí tuệ. Toàn xã Tân Bình hiện có hơn 200 hécta lúa và 348 hécta đất trồng bưởi, trong đó có 332 hécta bưởi đang cho trái, 16 hécta bưởi mới trồng. Xã đang chuyển đổi 72 hécta trồng lúa kém hiệu quả ở 2 cánh đồng Tân Triều và Vĩnh Hiệp sang trồng bưởi. Hợp tác xã dịch vụ - thương mại Tân Triều hiện mới quản lý 9,8 hécta trồng bưởi, trong đó có 4 hộ thực hiện mô hình GlobalGap với hơn 3 hécta, 12 hộ thực hiện mô hình VietGap với diện tích 3,72 hécta. Hầu hết bà con vẫn đứng ngoài hợp tác xã để dễ bề canh tác, tiêu thụ trái bưởi theo ý mình.
Hợp tác xã dịch vụ - thương mại Tân Triều hiện mới quản lý 9,8 hécta trồng bưởi, trong đó có 4 hộ thực hiện mô hình GlobalGAP với hơn 3 hécta, 12 hộ thực hiện mô hình VietGAP với diện tích 3,72 hécta. Hầu hết bà con vẫn đứng ngoài hợp tác xã để dễ bề canh tác, tiêu thụ trái bưởi theo ý mình. |
Tân Bình hiện vẫn còn vườn tạp, bởi bà con chưa chắc ăn đầu ra của trái bưởi nên canh tác thêm những loại cây khác. Điều đó cũng có nghĩa là chính quyền xã Tân Bình còn phải “mướt mồ hôi” phá bỏ bức tường tập quán xưa cũ nhưng hãy còn khá vững chắc trong tư duy của người nông dân. Một khi tập quán canh tác manh mún, tự phát không còn nữa thì kỳ vọng vươn tới xuất khẩu bưởi sạch ra nước ngoài mới có thể thành hiện thực. Khó nhưng không thể không làm. Bởi, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, người trồng bưởi không thể cứ mãi tồn tại cách làm ăn tiểu nông, nhỏ lẻ trông cậy vào “ ông trời” được.
Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp nông thôn, nông dân là một nghị quyết thấm đẫm tính nhân văn, bởi nghị quyết đã hướng đến đời sống của hàng chục triệu nông dân. Trái bưởi Tân Triều nhỏ bé nhưng là niềm hy vọng lớn, cây “giảm nghèo” hiệu quả của vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Tôi vẫn tin cây bưởi sẽ giúp người dân Tân Bình vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Hoàng Ngọc Điệp