Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đồng Nai và cả nước trong hơn 2 tháng đầu năm nay tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng vào đầu tháng 3, một số mặt hàng thiết yếu, như: gas, xăng, điện… lại có nhiều biến động.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đồng Nai và cả nước trong hơn 2 tháng đầu năm nay tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng vào đầu tháng 3, một số mặt hàng thiết yếu, như: gas, xăng, điện… lại có nhiều biến động.
Việc tăng giá nhiều mặt hàng đã làm “trầm trọng” thêm những khó khăn kéo dài 2 - 3 năm nay, từ đó, sức mua thị trường giảm sút. Theo một số doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất gỗ, thực phẩm, vật liệu xây dựng (VLXD)..., giá xăng tăng thêm từ 600 đồng đến 2.100 đồng/lít vào đầu tháng này, ngay lập tức đẩy chi phí đầu vào của DN, làm giá thành nhiều loại sản phẩm tăng khoảng 5%.
* Chi phí tăng
Với nhiều DN, ở thời điểm hiện tại, chi phí đầu vào tăng giống như một mảng màu đen được “dặm” thêm vào bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình kinh doanh, vốn đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đặng Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Long (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu cho biết, xăng dầu đang tạo áp lực lên tình hình sản xuất của DN. Cụ thể, khi xăng dầu tăng 10% thì giá các loại nguyên vật liệu dùng trong sản xuất lập tức biến động theo, tăng thêm từ 3 - 5% so với trước. Mức tăng này chưa phải là giới hạn khi thời gian tới, nhiều khả năng giá điện cũng tăng. Điều đáng nói là, giá cả biến động, thị trường thu hẹp, lãi suất ngân hàng vẫn “nóng” nhưng DN ngành gỗ rất khó tăng giá sản phẩm, vì sợ mất khách hàng.
Sức mua nhiều mặt hàng trên thị trường năm nay được đánh giá là không cao, do đó, thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa dám điều chỉnh giá. Ảnh: V. Lâm |
Tương tự, giám đốc một công ty sản xuất VLXD ở TP. Biên Hòa, chuyên sản xuất các mặt hàng đá xây dựng cho biết, ngay khi giá xăng tăng, đã gây ảnh hưởng lên giá thành sản phẩm do loại nhiên liệu này ảnh hưởng từ khâu sản xuất đến giai đoạn vận chuyển. Theo đó, hàng tháng lượng xăng dầu sử dụng cho đoàn xe chuyên chở VLXD của DN lên đến hơn 80 chiếc, một khi tăng thêm chi phí, đồng nghĩa với việc DN ít có lãi. Ông Lâm Thanh Đức, chủ thương hiệu trứng gà Thanh Đức (Xuân Lộc) cho biết, chỉ tính cước phí vận chuyển từ đầu tháng 3 đến nay tăng lên 20 ngàn đồng/tấn hàng. Ngoài ra, một số nguyên liệu và sản phẩm khác cũng đang được nhà cung cấp báo tăng. Theo tính toán, giá thành sản xuất trong việc cung cấp trứng gà đã đội lên khoảng 3%.
* Khó điều chỉnh giá
Một số DN cho rằng, sẽ không đáng bận tâm lắm nếu giá đầu vào tăng nhưng sức mua vẫn được duy trì ở mức ổn định. Song, trong thời gian gần đây, thị trường biến động theo hướng bất lợi cho DN, bởi hàng bán không chạy, dẫn đến tồn kho. Mặt khác, không ít đối tác viện cớ giá cả tăng nên giảm bớt lượng hàng.
Hầu hết các DN sản xuất hiện tại khi được hỏi đều cho biết, họ chưa thể điều chỉnh giá bán hàng ở thời điểm này, dù giá đầu vào đã tăng. Nguyên nhân là do sức mua yếu, DN không dám “thêm dầu vào lửa” dù giá thành sản xuất đã đội lên. Ông Nguyễn Tuấn Phương phân tích, giá đầu vào tăng trong một giới hạn nào đó sẽ gây khó khăn cho người sản xuất trước tiên, bởi việc điều chỉnh giá lúc này là rất nhạy cảm, dễ mất khách. Hướng khắc phục duy nhất là tìm cách tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để DN không bị lỗ. Ông Lâm Thanh Đức cũng khẳng định, trước mắt, DN chưa dám điều chỉnh giá bán, bước đầu phải chấp nhận lãi ít, nếu thời gian tới, mặt bằng giá tiếp tục tăng, DN phải nghe ngóng thị trường thật kỹ rồi mới tính đến chuyện điều chỉnh giá để giữ chân khách hàng. |
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) cho biết, sức mua của thị trường trong quý I-2012 giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do thị trường nhiều cạnh tranh, đồng thời người tiêu dùng trước những khó khăn chung của nền kinh tế cũng có nhiều động thái thắt chặt chi tiêu hơn. “Giá đầu vào đang tăng, cộng với các khó khăn tồn tại từ trước về lãi suất, thị trường... nên các DN sản xuất đang bị đặt trước những thử thách khá lớn trong việc giữ vững doanh thu và lợi nhuận” - ông Phương nói. Giám đốc DN chuyên sản xuất VLXD tại Biên Hòa nêu trên cũng khẳng định, cùng với sự “bất động” của thị trường bất động sản, chỉ trong vài năm qua, thị trường tiêu thụ mặt hàng đá xây dựng đã giảm sút 40-50%, kể cả thị trường tại Biên Hòa lẫn các địa phương khác.
Qua khảo sát, tại các chợ, siêu thị lớn ở TP. Biên Hòa, chúng tôi nhận thấy giá hàng hóa chưa biến động nhiều sau khi xăng tăng giá, ngoại trừ các dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, lãnh đạo một vài siêu thị lớn tại Biên Hòa nhận định, dù sức mua nhìn chung khá chậm, nhưng một số nhà cung cấp cũng đã đánh tiếng rằng họ sẽ buộc phải tăng giá trong vài tuần tới nếu tác động dây chuyền từ gas, xăng dầu và sắp tới là giá điện... quá mức chịu đựng của DN.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,6% Theo Sở Công thương, chỉ số CPI tháng 3-2012 trên địa bàn tỉnh đã tăng 0,6% so với tháng 2-2012. Theo đó, 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ đã có chỉ số giá tăng. Trong đó, một số nhóm tăng cao hơn bình quân chung là: nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình (tăng 1,43%); nhà ở điện nước, chất đốt và VLXD (tăng 2,95%); thiết bị đồ dùng gia đình (tăng 1,75%); giao thông vận - tải (tăng 1,34%)... Tuy nhiên, trong tháng này, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm đã giảm giá giúp cho chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,47% (lương thực giảm 0,76% và thực phẩm giảm 0,91%)... |
Vi Lâm