Năm 1999, Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) nghiên cứu thành công công nghệ chế biến dầu vỏ hạt điều (DVHĐ). Khởi đầu của ngành sản xuất này chỉ có một doanh nghiệp (DN) đầu tư với sản lượng xuất khẩu 1 ngàn tấn/năm.
Năm 1999, Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) nghiên cứu thành công công nghệ chế biến dầu vỏ hạt điều (DVHĐ). Khởi đầu của ngành sản xuất này chỉ có một doanh nghiệp (DN) đầu tư với sản lượng xuất khẩu 1 ngàn tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện tại ngành sản xuất DVHĐ đã phát triển mạnh với vị trí độc lập riêng. Năm 2011, ngành sản xuất DVHĐ cả nước đạt sản lượng khoảng 80 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu 60 ngàn tấn, thu về 50 triệu USD.
* Hiệu quả kinh tế cao
Ông Đỗ Cao Nguyên, đại diện cơ sở dầu điều Việt Trung (Xuân Lộc) cho biết, thời gian trước, ngành sản xuất hạt điều không hề tính đến giá trị của vỏ hạt điều vì đây là phế phẩm sau chế biến, thường chỉ dùng làm chất đốt. Từ khi có ngành sản xuất DVHĐ, vỏ hạt điều trở thành nguyên liệu có giá trị. Chính vì vậy, đóng góp của ngành sản xuất mới này không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải. Tương tự, chủ cơ sở dầu điều Nguyễn Thị Nga (Xuân Lộc) nhận xét, ngày càng nhiều cơ sở, DN nhỏ quan tâm đầu tư sản xuất DVHĐ vì dây chuyền thiết bị để sản xuất 100% là hàng trong nước nên vốn đầu tư không quá nặng mà hiệu quả kinh tế khá cao. Thêm vào đó, chi phí nhân công rẻ vì một dây chuyền sản xuất chỉ cần vài lao động, trong khi nhu cầu thị trường lớn nên thương lái thường đến tận nơi thu gom hàng. Do đó, sau một thời gian, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, tăng sản lượng lên gấp 3 lần so với trước nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường.
Ép dầu điều tại Công ty Donafoods. Ảnh: B. Nguyên |
Cũng theo ông Học, đến nay sản lượng sản xuất của các DN đạt gần 10 ngàn tấn/năm, tăng hàng chục lần so với ngày mới thành lập. Đây là nguồn nhiên liệu quý trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, như: sản xuất sơn, chất chống gỉ sét, keo dán, bột ma sát làm bố thắng xe máy, ô tô... Thị trường xuất khẩu gần đây cũng mở rộng hơn, ngoài Trung Quốc còn có EU, Nhật Bản... Trong đó, Trung Quốc nhập một lượng lớn DVHĐ từ Việt Nam về tinh chế ra nhiều sản phẩm khác để xuất khẩu với giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần dầu thô, bao gồm: sản xuất vật liệu kết dính chất lượng cao, các loại sơn cao cấp, vật liệu cách điện, bo mạch sản phẩm điện tử, bột ma sát trong sản xuất bố thắng...
* Thu hút đầu tư công nghệ
Ngành DVHĐ của Việt Nam đang mở rộng thu hút đầu tư nhằm ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Thực tế, một số DN đã mạnh dạn mua dây chuyền công nghệ để tinh chế từ DVHĐ thô ra nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao hơn, như: dầu cardanol, bột ma sát. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thảo Nguyên (Bà Rịa - Vũng Tàu) đầu tư cả triệu USD cho công nghệ chưng cất dầu cardanol từ DVHĐ. Đây là nguồn nguyên liệu rất cần cho các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất lớp phủ chống ăn mòn trong ngành cơ khí, chế tạo; sản xuất sơn cao cấp chống gỉ sét trong ngành công nghiệp tàu biển.
Ông Nguyễn Thái Học cho biết, Đồng Nai chiếm khoảng 60% tỷ trọng của ngành sản xuất DVHĐ của cả nước. Trong đó, có DN đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới không chỉ mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn mà còn góp phần cung cấp nguồn nguyên, phụ liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Vì ngành chế biến này có nhiều đặc thù, nên DN sản xuất DVHĐ của Đồng Nai rất cần có khu công nghiệp riêng để tập trung sản xuất. |
Chủ một DN sản xuất DVHĐ tại phường Long Bình cho biết, DN cũng vừa đưa vào hoạt động dây chuyền chưng cất dầu cardanol với quy mô 80 tấn dầu nguyên liệu/tháng. Phần cặn của dầu cardanol trong quá trình chưng cất sẽ được sản xuất thành bột ma sát. Các sản phẩm này có giá trị kinh tế cao hơn gần gấp đôi so với dầu thô. Tiềm năng thị trường của sản phẩm mới cũng rộng hơn vì không chỉ xuất sang Trung Quốc mà nhiều khách từ Nhật Bản, châu Âu đã đến tận nhà máy để tìm hiểu nguồn hàng. DN còn có thể khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa. Chủ DN này dẫn chứng, bột ma sát không chỉ xuất khẩu tốt mà nhu cầu của thị trường nội địa cũng rất cao vì ngành sản xuất ô tô, xe máy của Việt Nam ngày càng phát triển. Chính vì vậy, thời gian tới, DN sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để tăng sản lượng lên gấp 3 lần so với hiện tại.
Bình Nguyên