Các địa phương trong tỉnh hiện đang bước vào vụ thu hoạch mía. Tuy giá mía niên vụ 2011-2012 được các nhà máy sản xuất mua với giá cao, song lợi nhuận nông dân thu được lại thấp…
Các địa phương trong tỉnh hiện đang bước vào vụ thu hoạch mía. Tuy giá mía niên vụ 2011-2012 được các nhà máy sản xuất mua với giá cao, song lợi nhuận nông dân thu được lại thấp…
Diện tích mía của Đồng Nai hiện nay gần 9 ngàn hécta, tập trung ở các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc và Định Quán. Hầu hết mía trong tỉnh được nông dân bán cho Công ty cổ phần mía đường La Ngà (Định Quán) và Nhà máy đường Biên Hòa-Trị An (Vĩnh Cửu). Theo các hộ nông dân, lợi nhuận từ vụ mía 2011-2012 người trồng thu được chỉ bằng gần một nửa vụ trước.
* Nông dân chịu thiệt
Vào vụ thu hoạch mía, giá đường trong nước và thế giới đồng loạt giảm, song các nhà máy sản xuất đường trong tỉnh vẫn mua mía với giá tương đương như vụ mía năm 2010-2011. Cụ thể, mía đạt 10 chữ đường các nhà máy mua với giá 1.050.000 đồng/tấn tại ruộng và 1.150.000 đồng/tấn tại nhà máy. Với mía có chữ đường thấp thì cứ 1 chữ đường bị trừ từ 70-80 ngàn đồng/tấn. Những vụ mía trước, Nhà máy đường Biên Hòa-Trị An bảo hiểm chữ đường lên đến 9 CCS, Công ty CP mía đường La Ngà là 8 CCS. Song, niên vụ mía 2011-2012, Công ty CP mía đường La Ngà bỏ bảo hiểm chữ đường, còn Nhà máy đường Biên Hòa- Trị An hạ bảo hiểm chữ đường xuống 8 CCS. Vì vậy, dù giá mía vẫn mua như niên vụ trước nhưng lợi nhuận của nông dân lại giảm nhiều. Ngoài ra, vụ này các nhà máy tính lượng tạp chất của mía cao hơn khiến nông dân bị thiệt thòi.
Nông dân xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom đang thu hoạch mía. Ảnh: H. Giang |
Ông Đinh Quang Phúc ở ấp 2A, xã Xuân Bắc (Xuân Lộc) than: “Mía tôi trồng chủ yếu bán cho Công ty CP mía đường La Ngà. Vụ trước, công ty bảo hiểm chữ đường và tính tạp chất thấp nên trừ chi phí tôi còn lời 30 triệu đồng/hécta. Còn vụ này, Công ty bỏ bảo hiểm chữ đường và tính tạp chất cao hơn 2% tôi mất từ 70-140 ngàn đồng/tấn mía. Do đó, tôi chỉ thu lời 13-14 triệu đồng/hécta”. Tương tự, ông Nguyễn Công Châu ở ấp 1, xã Phú Lý (Vĩnh Cửu) có khoảng 30 hécta mía, vụ trước trừ chi phí ông còn lời gần 1 tỷ đồng. Nhưng năm 2011 mưa nhiều nên năng suất và chữ đường mía giảm. Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An hạ bảo hiểm chữ đường xuống 8 CCS nên những vùng chữ đường thấp, ông Châu mất 5-6 triệu đồng/hécta. Thiệt thòi của ông Châu cũng là tình hình chung của những hộ trồng mía hiện nay.
* Nâng cao chất lượng mía
Theo phản ảnh của nông dân trồng mía trong tỉnh, năm 2011 và đầu năm 2012 thời tiết trong tỉnh thường xuyên có mưa lớn, nhiều vùng mía bị đổ, năng suất và chất lượng đều giảm. Bên cạnh đó, từ chỗ các nhà máy bỏ bảo hiểm chữ đường và tính tạp chất cao khiến lợi nhuận của người trồng mía giảm mạnh.
Lý giải việc giảm bảo hiểm chữ đường và tính lượng tạp chất cao, ông Trương Văn Thành, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An cho biết: “Nhà máy giảm bảo hiểm chữ đường để nông dân chú ý đầu tư nâng cao chất lượng cho cây mía, tránh tình trạng chỉ bón nhiều phân ure để nâng năng suất. Còn tính tạp chất kỹ hơn mọi năm cũng là để nông dân trong quá trình thu hoạch chú ý loại bỏ bớt lá già và ngọn nhằm đầy chữ đường lên. Tuy nhà máy giảm bảo hiểm chữ đường, song những hộ hợp đồng bán mía với nhà máy có chữ đường cao hơn 9 CCS cuối vụ sẽ được thưởng”.
Phía Công ty CP mía đường La Ngà cũng giải thích việc bỏ bảo hiểm chữ đường và tính tạp chất cao là để nông dân ngoài đẩy cao năng suất phải chú ý đến cả chất lượng. Vì hiện nay, chữ đường mía của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Thực tế lâu nay, việc tính chữ đường vẫn là chọn ngẫu nhiên một vài cây mía trong một xe để tính. Như vậy, không may lấy phải những cây mía chữ đường thấp nông dân chịu thiệt rất lớn. Do đó, vụ này giá mía công ty mua không giảm nhưng nông dân thu lời thấp.
Hương Giang