Trải qua năm 2011 đầy những khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng mộc xuất khẩu đã kỳ vọng vào sự cải thiện về sức tiêu thụ trong năm 2012. Thế nhưng, qua hai tháng đầu năm, các thị trường lớn của ngành mộc vẫn còn khá ảm đạm khiến không ít DN vẫn đang loay hoay đi tìm thị trường mới…
Sản xuất gỗ xuất khẩu ở Công ty Thiên Kim, huyện Trảng Bom. Ảnh: Q.K |
Trải qua năm 2011 đầy những khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng mộc xuất khẩu đã kỳ vọng vào sự cải thiện về sức tiêu thụ trong năm 2012. Thế nhưng, qua hai tháng đầu năm, các thị trường lớn của ngành mộc vẫn còn khá ảm đạm khiến không ít DN vẫn đang loay hoay đi tìm thị trường mới…
* Doanh nghiệp mệt mỏi…
Giám đốc Công ty TNHH gỗ Minh Tiến (phường Long Bình, TP. Biên Hòa) Nguyễn Thế Minh cho biết, DN của anh cũng như nhiều DN khác đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, sản phẩm bàn ghế ngoài trời của DN xuất khẩu sang châu Âu gần như bị “tê liệt”, bởi không ký được hợp đồng sản xuất. Từ cuối năm ngoái đến nay, anh Minh phải nhận gia công hàng cho một công ty xuất khẩu ở tỉnh Bình Dương để có việc làm cho công nhân. Theo anh Minh, hiện kinh tế ở các nước EU vẫn trong tình trạng khó khăn nên lượng hàng bán ở thị trường này rất chậm. Chính vì vậy, khi đàm phán hợp đồng, khách hàng luôn dựa vào lý do không tiêu thụ được hàng để ép giá nhà sản xuất đến mức thấp nhất. Do đó, một số hợp đồng nếu không khéo tính toán sẽ rất dễ bị lỗ. Anh Minh cũng tiết lộ, không chỉ có Minh Tiến mà rất nhiều đồng nghiệp hiện phải đang khá vất vả để tìm hiểu thị trường Nga và một số nước Đông Âu. Anh chia sẻ: “Tôi biết ở Nga và một số quốc gia Đông Âu vẫn nhập khẩu hàng thông qua trung gian từ nhiều nhà kinh doanh ở EU. Tuy nhiên, một khi kinh tế còn khó khăn như hiện nay thì càng giảm được khâu trung gian càng tốt. Ở thị trường này, khí hậu khá khắc nghiệt nên việc sản xuất hàng có thể không dễ dàng như các thị trường khác. Chính vì vậy, tôi vừa tìm kiếm đơn hàng vừa xem xét khả năng đáp ứng thị trường mới này của mình đến đâu…”.
Nhận định về thị trường gỗ xuất khẩu, các chuyên gia trên lĩnh vực này cho rằng, khi DN xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ sang Nga và Đông Âu, cần lưu ý đến yếu tố văn hóa. Bởi, cung cách sử dụng sản phẩm ở khu vực này khác với các nước Tây Âu. Ngoài ra, một số quy định về độ an toàn của sản phẩm cũng rất cao.
* Đâu là lối thoát?
Cùng nằm trong nhóm các DN luôn thiếu hàng sản xuất, lãnh đạo Công ty TNHH Hoàng Nhật (TP.Hồ Chí Minh) có nhà máy sản xuất tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho hay, DN đang khá bối rối trong việc tìm thị trường mới để thay thế cho thị trường truyền thống là châu Âu và Mỹ lâu nay ế ẩm. Bà Lưu Thị Nhàn, Phó giám đốc công ty này đánh giá, Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu hàng mộc lớn của Việt Nam, thế nhưng do khó khăn về kinh tế, kéo dài suốt mấy năm qua đã khiến nhiều nhà xuất khẩu không đứng vững được ở đây. Từ đó, DN phải chuyển sang làm một số sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, tuy nhiên các đơn hàng khá nhỏ. Theo kế hoạch, năm nay Hoàng Nhật sẽ đẩy mạnh việc đưa hàng “xâm nhập” vào các nước châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tương tự, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Kim (Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), người đã 15 năm gắn bó với thị trường Mỹ nhận xét, đến nay hầu hết các DN nhỏ làm hàng xuất sang Mỹ đều đã “bỏ chạy”. Hiện thị trường này chỉ còn những DN lớn trụ được nhưng đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với hàng Trung Quốc. Theo ông Toàn, hàng mộc ở Mỹ luôn đi cùng với bất động sản, bao giờ thị trường bất động sản nước này sôi động trở lại thì đồ gỗ mới bán chạy được. Trước bối cảnh không dễ tìm được thị trường xuất khẩu thuận lợi như hiện nay, Thiên Kim cũng phải nhận làm hàng gia công cho một công ty nước ngoài.
Các DN sản xuất gỗ còn đang lo ngại về việc giá xăng bất ổn, sẽ tiếp tục đẩy chi phí đầu vào tăng lên trong thời gian tới thì càng tạo sức ép cho các DN sản xuất. Các nhà xuất khẩu gỗ đều cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nếu không tìm kiếm được thị trường khu vực châu Á và một số quốc gia vùng Trung Đông thì DN sẽ khó có thể đứng vững. Ngoài ra, những thị trường khác như Nga, Đông Âu và xa hơn là Braxin hay châu Phi cũng là nơi nhắm đến của không ít DN. Việc tiến vào các thị trường nhỏ mà nhà sản xuất “khổng lồ” Trung Quốc không đụng đến cũng là phương án “né khó” hiện nay của các DN.
Quốc Khánh